Xây nhà bằng vật liệu nhẹ có những ưu, nhược điểm gì?
Xây nhà bằng vật liệu nhẹ ngày một phổ biến trong xây dựng nhà ở hiện nay. Với đặc điểm nổi trội như thi công nhanh, chống chịu nước, ngăn chặn sự tấn công với mối mọt và các yếu tố thời tiết. Sử dụng vật liệu nhẹ giúp chủ nhà tiết kiệm rất nhiều chi phí xây dựng.
Xây nhà bằng vật liệu nhẹ là gì?
Xây nhà bằng vật liệu nhẹ là phương pháp sử dụng những vật liệu có trọng lượng nhẹ thay thế các vật liệu truyền thống như gạch đỏ, gạch xi măng, đổ bê tông cốt thép, gạch ốp hoàn thiện... để thi công các hạng mục từ xây thô đến hoàn thiện

Sử dụng vật liệu nhẹ có trọng lượng nhỏ thường được áp dụng trong những mẫu nhà có kiến trúc tối giản. Mặc dù nhẹ song vẫn đảm bảo những tính năng về độ bền, độ cứng, khả năng cách nhiệt, chống nóng, chống cháy và tính thẩm mỹ cao.
Ví dụ, nếu xây nhà bằng vật liệu nhẹ sử dụng gạch bê tông nhẹ chỉ bằng 1/3 so với gạch truyền thống, hoặc xây nhà lắp ghép bằng tấm bê tông nhẹ, hoàn thiện nhà bằng vật liệu tự nhiên như: tre nứa, thạch cao, dán vinyl...

Thay vì ốp gạch đá hoàn thiện tường hoặc sàn, chúng ta sử dụng sàn gỗ hoặc ốp tấm cao su, tấm vinyl. Trọng lượng của vật liệu xây dựng siêu nhẹ khi này chỉ bằng một phần nhỏ của các loại vật liệu kia mà thôi.
Xây nhà bằng vật liệu nhẹ có những ưu điểm gì?
Xây nhà bằng vật liệu nhẹ là loại vật liệu xây dựng có trọng lượng thấp hơn rất nhiều so với vật liệu truyền thống. Điều này mang lại nhiều ưu điểm vượt trội, bao gồm:
Trọng lượng vật liệu nhẹ
Ưu điểm đầu tiên khi lựa chọn xây nhà bằng vật liệu nhẹ sẽ giúp tải trọng của công trình giảm đi đáng kể, hạn chế tác động lực nặng quá nhiều xuống phần móng. Đặc biệt những công trình lớn, cao tầng thì việc sử dụng các vật liệu xây nhẹ sẽ làm giảm tải lên hệ kết cấu dầm cột bê tông cốt thép. Tải trọng này sẽ truyền xuống nền móng và giảm thiểu hiện tượng sụt lún. Điều này mang lại sự ổn định cao trong kết cấu tổng thể.

Trọng lượng nhẹ giúp đẩy nhanh tiến độ sản xuất, vận chuyển và thi công, giúp tiết kiệm một phần kinh phí xây dựng. Công trình càng xong sớm đi vào hoạt động, gia đình sẽ được sử dụng sớm hoặc lợi ích kinh doanh sớm cho chủ đầu tư.
Độ bền cao cho công trình
Vật liệu nhẹ xây nhà không chỉ nhẹ mà còn có lợi thế về độ bền cao, khả năng chịu lực tốt, chống va đập và không bị ảnh hưởng bởi môi trường giúp mang lại tuổi thọ cao cho công trình.
- Vật liệu nhẹ có độ cứng rất cao, giúp chống lại sự sụt lún, nứt vỡ.
- Loại vật liệu này còn có khả năng chống nước, chống ẩm mốc, giúp bảo vệ công trình khỏi tác động của thời tiết.

Khả năng cách âm, cách nhiệt
Xây nhà bằng vật liệu nhẹ có khả năng cách âm, cách nhiệt vượt trội, giúp mang lại không gian sống thoải mái và tiết kiệm năng lượng. Thông thường các loại vật liệu trọng lượng nhẹ có cấu trúc bọt khí rỗng giúp hấp thụ và triệt tiêu sóng âm đi qua, mang lại khả năng cách âm gấp 2 đến 3 lần so với vật liệu truyền thống.

Ngoài ra, vật liệu nhẹ có hệ số dẫn nhiệt rất thấp, giúp cách nhiệt gấp 6 đến 8 lần vật liệu xây thông thường. Điều này giúp giữ nhiệt vào mùa đông và giảm nhiệt vào mùa hè, giúp tiết kiệm năng lượng cho hệ thống sưởi và điều hòa nhiệt độ.
Nhờ khả năng cách âm, cách nhiệt vượt trội, vật liệu nhẹ đang ngày càng được sử dụng phổ biến trong xây dựng nhà ở, văn phòng và các công trình dân dụng khác.
Tiết kiệm chi phí xây dựng
Xây nhà bằng vật liệu nhẹ giúp giảm chi phí nền móng, sắt thép cho kết cấu. Đồng thời giúp tiết kiệm thời gian hoàn thiện và chi phí nhân công. Chi phí vận chuyển các vật liệu nhẹ xây nhà cũng thấp hơn so với vận chuyển vật liệu nặng. Bạn có thể tham khảo thêm giá vật liệu xây dựng hiện nay tăng hay giảm trong năm 2023 để cân nhắc lựa chọn vật liệu phù hợp với tiềm lực tài chính.

Đa dạng nhu cầu sử dụng
Vật liệu nhẹ có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu sử dụng trong xây dựng, từ tường xây, tường bao, vách ngăn, trần, sàn,...
- Tường xây: Gạch bê tông khí chưng áp AAC và tấm panel bê tông khí là lựa chọn phù hợp cho tường xây cao, chịu lực lớn. Gạch bọt khí CLC, gạch hạt xốp EPS và tấm bê tông nhẹ phù hợp cho tường bao, vách ngăn, chịu lực ít.
- Trần: Tấm thạch cao, tấm trần nhựa, tấm thảm... là những lựa chọn phù hợp cho trần nhà.
- Sàn: Tấm sàn bê tông Cemboard sử dụng cho sàn bê tông chịu lực. Tấm sàn gỗ, sàn cao su,... là lựa chọn phù hợp cho sàn thẩm mỹ.

Vật liệu thân thiện với môi trường
Xây nhà bằng vật liệu nhẹ là giải pháp thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Không nung: Vật liệu xây dựng nhẹ thường là không nung và phát thải ra môi trường. Điều này giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Tái chế: Đa số các dạng vật liệu xây dựng nhẹ là vật liệu xanh, sử dụng các nguyên liệu tái chế để sản xuất giúp giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường và bảo vệ môi trường.
Nhược điểm khi xây nhà bằng vật liệu nhẹ
Không phù hợp làm nền móng
Khi xây dựng nền móng không nên sử dụng vật liệu nhẹ. Vì kết cấu nền móng cần có trọng lượng cao để ổn định cho toàn bộ kết cấu bên trên. Chính vì vậy vật liệu xây nhà siêu nhẹ không nên sử dụng cho hạng mục này.
Chỉ nên dùng vật liệu nhẹ bắt đầu từ tầng trệt trở lên, còn kết cấu móng thường được làm bằng các vật liệu phổ thông như: bê tông cốt thép, gạch đỏ đặc, gạch xi măng cốt liệu block.
Vật liệu nhẹ đòi hỏi công nghệ cao
Sản xuất các nguyên vật liệu trọng lượng nhẹ đòi hỏi những dây chuyền công nghệ cao, chi phí đầu tư ban đầu rất lớn và thường mất thời gian chuyển giao công nghệ nữa.

Vì vậy tuy tạo ra giá trị sử dụng cao nhưng những vật liệu nhẹ cũng hạn chế về mặt số lượng do đòi hỏi nguồn vốn đầu tư và quy trình phức tạp.
Không phổ biến như vật liệu truyền thống
Một nhược điểm của việc xây nhà bằng vật liệu nhẹ là do tâm lý của người Việt thường khó thích nghi với những công nghệ mới. Đa phần mọi người yêu thích vật liệu truyền thống nặng và dễ dàng tìm mua như: gạch đỏ, gạch xi măng cốt liệu, đá ốp lát...
Tổng hợp các vật liệu nhẹ sử dụng trong xây nhà
Bê tông siêu nhẹ
Bê tông siêu nhẹ là một trong những vật liệu được sử dụng phổ biến trong xây dựng nhà ở, bao gồm:
- Bê tông khí chưng áp AAC
- Bê tông nhẹ bọt khí
- Bê tông nhẹ EPS hạt xốp
- Bê tông nhẹ Cemboard
- Bê tông nhẹ Xuân Mai

Bê tông siêu nhẹ là nguyên liệu chính để sản xuất gạch siêu nhẹ và tấm panel bê tông nhẹ. Hai sản phẩm này được sử dụng phổ biến trong xây dựng nhà ở, văn phòng và các công trình dân dụng khác với nhiều lợi ích như:
- Giảm tải trọng lên nền móng: Trọng lượng nhẹ của bê tông siêu nhẹ giúp giảm tải trọng lên nền móng, từ đó giúp tiết kiệm chi phí xây dựng.
- Khả năng cách âm, cách nhiệt: Bê tông siêu nhẹ có cấu trúc bọt khí rỗng giúp hấp thụ và triệt tiêu sóng âm đi qua, mang lại khả năng cách âm, cách nhiệt tốt.
- Tiết kiệm chi phí: Bê tông nhẹ có giá thành thấp hơn so với các vật liệu xây dựng truyền thống, giúp tiết kiệm chi phí xây dựng.
Gạch siêu nhẹ
Gạch siêu nhẹ là loại gạch được sản xuất từ vật liệu bê tông khí chưng áp (AAC), có trọng lượng nhẹ, khả năng cách âm, cách nhiệt, chịu lực tốt và thân thiện với môi trường.
Gạch AAC
Gạch AAC là loại gạch siêu nhẹ tốt nhất hiện nay, được sản xuất theo dây chuyền hiện đại, có nhiều kích thước tiêu chuẩn: 600x200x100mm, 600x200x150mmm hoặc có thể cắt theo kích thước yêu cầu của khách hàng. Gạch này có nhiều ưu điểm vượt trội, bao gồm:
- Trọng lượng nhẹ, chỉ bằng 1/3 gạch đỏ thông thường, giúp giảm tải trọng lên nền móng, tiết kiệm chi phí xây dựng.
- Khả năng cách âm, cách nhiệt tốt, giúp mang lại không gian sống thoải mái, mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
- Chịu lực nén tốt, đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2008.
- Khả năng chống cháy đạt tiêu chuẩn EI240 cao nhất hiện nay.

Gạch CLC
Ngoài gạch AAC, còn có loại gạch siêu nhẹ bọt khí CLC được sản xuất theo dây chuyền nhỏ lẻ và thủ công hơn. Gạch CLC có giá thành rẻ, chi phí sản xuất thấp, vẫn đem lại hiệu quả tốt từ tính năng nhẹ, chống nóng, cách nhiệt.
Tấm bê tông nhẹ ALC
Tấm bê tông nhẹ ALC là sản phẩm xây dựng được sản xuất từ vật liệu bê tông siêu nhẹ, sử dụng cốt thép gia tăng khả năng chịu lực. Tấm bê tông nhẹ ALC được ứng dụng rộng rãi trong xây dựng, đặc biệt là trong các giải pháp xây nhà lắp ghép thông minh.

Tấm bê tông nhẹ với 2 lớp thép gia cường dễ dàng lắp đặt nhanh chóng cho kết cấu sàn lắp ghép. Đây đang là giải pháp thi công sàn bê tông nhẹ thông minh, tiết kiệm thời gian và đảm bảo chất lượng cho công trình.
Tấm bê tông nhẹ Cemboard
Tấm bê tông nhẹ Cemboard là tấm xi măng cốt sợi siêu nhẹ. Với đặc điểm chiều dày mỏng chỉ từ 10mm đến 20mm, kích thước khổ rộng. Trọng lượng của tấm bê tông siêu nhẹ và dễ dàng vận chuyển, thi công lắp đặt.

Ưu điểm của vật liệu nhẹ này là chịu nước, chống ẩm mốc, chống cháy, chống mối mọt, cách âm, cách nhiệt. Vật liệu khi sử dụng không bị cong vênh, rạn nứt và độ bền cao. Tấm xi măng được sử dụng làm vách ngăn, làm trần, mái. Ngoài ra vật liệu tấm bê tông nhẹ Cemboard còn dùng để che hệ thống cơ điện, che đường ống nước đi phía dưới ban công hoặc phía mặt tiền.
Sử dụng thạch cao
Tấm thạch cao là loại vật liệu xây dựng nhẹ tốt và phổ biến nhất trong thi công hoàn thiện nội thất. Với đặc tính nhẹ, dễ dàng thi công, xử lý mối nối và hoàn thiện, tường vách thạch cao luôn tạo vẻ đẹp sang trọng trong thiết kế.

Thạch cao làm trần giúp linh hoạt trong việc điều chỉnh cao độ, kích thước theo thiết kế. Việc cắt trần, đóng trần và sơn bả hoàn toàn dễ dàng khi sử dụng thạch cao để hoàn thiện.
Tấm sàn gỗ nhẹ
Xây nhà bằng vật liệu nhẹ nên hạn chế dùng gạch lát nền sẽ giúp giảm đáng kể tải trọng lên sàn. So với gạch lát nền sử dụng sàn gỗ là giải pháp hiệu quả, được sử dụng hầu hết tại các tòa nhà hiện nay.

Gỗ nổi tiếng là vật liệu xây dựng nhẹ, thân thiện môi trường và sức khỏe. Khi kết hợp bố cục sàn gỗ với căn nhà tạo cảm giác tự nhiên, và sang trọng. Về chi phí khi sử dụng sàn gỗ tự nhiên giá thành sẽ đắt hơn, tuy nhiên màu sắc sàn gỗ đẹp và khả năng chống nước tốt, tuổi thọ sử dụng cao.
Tấm sàn tre Bamboo nhẹ
Sàn tre (Bamboo Floor) là loại vật liệu xây dựng nhẹ được sử dụng đối với các khu vực như: phòng tập Yoga, khu giải trí nhảy múa... Tùy theo mục đích sử dụng ván sàn tre sẽ tạo không gian tự nhiên, thông thoáng hài hòa về kiến trúc.

Đặc điểm tấm sàn tre Bamboo Floor là nhẹ hơn rất nhiều lần so với ốp lát gạch đá hoàn thiện. Mặt sàn nhìn sáng bóng toát lên vẻ sang trọng và cảm giác mát mẻ trong những điều kiện thời tiết nóng bức.
Tấm nhựa vinyl
Nhựa vinyl rất đa dang về màu sắc hoàn thiện, bề mặt của nhựa vinyl có thể giống đá, gạch, màu gỗ, thảm... Đây là loại vật liệu nhẹ với độ dày chỉ khoảng 3 mm và dễ dàng sử dụng. Dán vinyl có thể áp dụng hoàn thiện cho cả tường và sàn đều được.

Vật liệu nhẹ từ tre nứa
Trong những mẫu xây nhà bằng vật liệu nhẹ đều bắt nguồn từ vật liệu tre nứa. Tre là vật liệu tự nhiên có trọng lượng nhẹ và được đưa vào làm thiết kế cho kết cấu tường vách trang trí. Những điểm nhấn, đường cong mang đậm tính nghệ thuật và tạo được sức hút rất lớn từ tre.
Trọng lượng của tre nhẹ hơn rất rất nhiều lần so với các vật liệu nặng khác như: tường gạch, tường bê tông cốt thép… Những căn nhà bằng tre luôn cho cảm giác gần gũi với tự nhiên, tràn ngập sức sống.
Xem thêm: Các loại vật liệu chống thấm sân thượng tốt nhất hiện nay
