Quy định xây dựng nhà ở đô thị năm 2024 có gì thay đổi

Cẩm nang xây nhà
0
3061
loan - 27/10/2023

Nhà ở (nhà ở riêng lẻ) là loại hình công trình xây dựng đang được quan tâm nhất hiện nay. Chủ đầu tư/chủ sở hữu xây dựng nhà ở trong đô thị phải đáp ứng đủ yêu cầu về các chứng từ pháp lý của Bộ Xây dựng. Cùng tìm hiểu các thay đổi trong quy định xây dựng nhà ở đô thị mới nhất 2024 về quy hoạch xây dựng đô thị, cấp phép xây dựng nhà ở đô thị, quyền sở hữu đất đai và thay đổi về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở đô thị. 

Các thay đổi về quy hoạch xây dựng trong quy định nhà ở đô thị 2024

Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều 14 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Thay đổi về quy hoạch xây dựng nhà ở đô thị
Thay đổi về quy hoạch xây dựng nhà ở đô thị

Xem thêm: Quy định về số tầng cấp phép xây dựng nhà ở 2023

Cụ thể, Nghị định 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4, bổ sung các khoản 4a, 4b, 4c và 4d vào sau khoản 4 Điều 14 - Nguyên tắc lập quy hoạch đô thị như sau:

"3. Các khu vực trong phạm vi phát triển đô thị thuộc đối tượng phải lập quy hoạch chi tiết khi thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị thì phải lập quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu (đối với trường hợp quy định phải lập quy hoạch phân khu), làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng và triển khai các công việc khác theo quy định của pháp luật liên quan. Đối với các lô đất có quy mô nhỏ quy định tại khoản 4 Điều này thì được lập quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn (quy trình lập quy hoạch tổng mặt bằng) theo quy định từ khoản 4a đến khoản 4d Điều này.

4. Các lô đất có quy mô nhỏ phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Lô đất do một chủ đầu tư thực hiện hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập;

b) Có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà chung cư, khu chung cư hoặc có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 10 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật (trừ công trình hạ tầng kỹ thuật theo tuyến) được xác định theo quy hoạch chung đô thị hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được phê duyệt hoặc có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 5 ha đối với các trường hợp còn lại;

c) Trong khu vực đã có quy hoạch phân khu được phê duyệt hoặc đã có quy hoạch chung được phê duyệt đối với khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu.

4a. Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4b Điều này, được quy định như sau:

a) Các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất và các yêu cầu về tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan của khu vực được xác định tại đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt hoặc quy hoạch chung được phê duyệt đối với khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu, các yêu cầu chuyên ngành tại quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đối với dự án đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình hạ tầng kỹ thuật (nếu có) được sử dụng thay thế cho nhiệm vụ quy hoạch tổng mặt bằng và là cơ sở để lập quy hoạch tổng mặt bằng;

b) Quy hoạch tổng mặt bằng bao gồm bản vẽ tổng mặt bằng; phương án kiến trúc công trình phải thể hiện được vị trí quy mô công trình, hạng mục công trình trong lô đất; xác định cụ thể cao độ nền xây dựng, chỉ giới xây dựng (chỉ giới xây dựng phần nổi, phần ngầm của công trình), màu sắc công trình và các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng; bảo đảm sự đấu nối hạ tầng kỹ thuật và phù hợp về không gian kiến trúc với khu vực xung quanh;

c) Trình tự, thủ tục lấy ý kiến, thẩm định phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng thực hiện theo trình tự, thủ tục lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết đối với dự án đầu tư xây dựng;

d) Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết có trách nhiệm phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng.

4b. Đối với dự án đầu tư xây dựng có công trình thuộc danh mục bí mật nhà nước thì lập quy hoạch tổng mặt bằng trong bước lập chủ trương đầu tư; chủ đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết, làm cơ sở triển khai những bước tiếp theo; thời gian cho ý kiến không quá 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Việc tổ chức thực hiện, quản lý hồ sơ, tài liệu và các thông tin liên quan tuân thủ theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

4c. Việc điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng phải bảo đảm các điều kiện điều chỉnh của đồ án quy hoạch chi tiết. Quy trình điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng thực hiện theo quy định tại khoản 4a, khoản 4b Điều này.

4d. Quy hoạch tổng mặt bằng sau khi được phê duyệt (kể cả điều chỉnh) được công bố theo quy định công bố đồ án quy hoạch chi tiết.".

Một mẫu biệt thự tân cổ điển cao cấp 200m2 ở TP HCM
Một mẫu biệt thự tân cổ điển cao cấp 200m2 ở TP HCM

Thay đổi về cấp phép xây dựng theo quy định xây nhà trong khu đô thị

Chủ đầu tư, chủ sở hữu nhà ở đô thị cần phải chú ý tuân thủ, thực hiện một số quy định xây dựng nhà ở đô thị theo Luật Xây dựng 2014, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 để tránh bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc không được xây dựng nhà ở.

Một là, thay đổi về thẩm quyền cấp phép xây dựng

Chủ đầu tư/chủ sở hữu nhà ở tại đô thị phải xin cấp giấy phép xây dựng trước khi tiến hành khởi công/thi công công trình xây dựng nhà đô thị, trừ trường hợp được miễn cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng 2020. Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, một số cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cấp giấy phép xây dựng (ví dụ như Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế) và Ủy ban nhân dân cấp huyện, theo quy định tại Khoản 37 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020.

Trong đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện được quyền cấp giấy phép xây dựng đối với công trình là nhà ở riêng lẻ, công trình cấp III, cấp IV; Các công trình còn lại thuộc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Luật Xây dựng sửa đổi 2020 đã bỏ thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Bộ Xây dựng như Luật Xây dựng 2014 trước đây).

Hai là, các điều kiện để được cấp giấy phép xây dựng nhà ở tại đô thị

Chủ sở hữu, chủ đầu tư nhà ở đô thị được cấp giấy phép xây dựng nếu thỏa mãn đồng thời các điều kiện về tính phù hợp quy hoạch, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ/an toàn hạ tầng kỹ thuật, có thiết kế xây dựng đảm bảo thỏa mãn điều kiện pháp luật và có hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng hợp lệ được quy định tại Điều 93 Luật Xây dựng 2014.

"1. Điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị gồm:

a) Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt;

b) Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh;

c) Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 79 của Luật này;

d) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 95, Điều 96 và Điều 97 của Luật này.

2. Đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng; đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.".

Giấy phép xây dựng nhà ở
Giấy phép xây dựng nhà ở

Ba là, sửa đổi về việc được cấp phép xây dựng trước khi khởi công

Chủ đầu tư, chủ sở hữu muốn xây nhà ở đô thị phải được cấp giấy phép xây dựng trước khi khởi công/thi công, do không thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng. 

Bốn là, xây nhà ở đô thị phải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch xây dựng

Đảm bảo công trình xây dựng nhà ở tại đô thị phù hợp với các tiêu chuẩn thiết kế, quy chuẩn về quy hoạch/quy chuẩn về kỹ thuật, quy hoạch về xây dựng tại vị trí đất nơi có công trình. Ví dụ một số tiêu chuẩn này là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng TCVN 01:2021/BXD được ban hành tại Thông tư 01/2021/TT-BXD; Quy hoạch xây dựng đô thị hay Quy hoạch chi tiết 1/500,...

Năm là, phải đảm bảo an toàn với công trình liền kề khi xây dựng nhà ở

Khi xây dựng nhà ở đô thị mà có công trình liền kề, tránh sụt lún/hoặc gây ảnh hưởng đến kết cấu của công trình lân cận hoặc đảm bảo an toàn trong xây dựng như không được rơi vãi vật liệu xây dựng gây nguy hiểm cho người, tài sản liền kề,...

Sửa đổi trong luật xây dựng nhà ở đô thị về quyền sở hữu đất đai

Những ai được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể tại Điều 142 về "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" như sau:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp người đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có nhu cầu cấp đổi thì được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này.

Nguyên tắc, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Nguyên tắc, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Nguyên tắc, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Nguyên tắc, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được quy định trong Điều 143, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể:

  • "Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.

  • Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.

  • Trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì cấp một Giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên trên Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện."

Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận do Cơ quan đăng ký đất đai thực hiện theo quy định của Chính phủ. Chính phủ quy định chi tiết việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, việc xác định lại diện tích đất ở và việc đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp.

Các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Được quy định tại Điều 144 - các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: 

  • Thứ nhất, đất thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

  • Thứ hai, đất được giao để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 8 của Luật này, trừ trường hợp: đất được giao sử dụng chung với đất được giao quản lý thì được chứng nhận phần quyền sử dụng theo quyết định giao, cho thuê của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

  • Thứ ba, đất thuê, thuê lại của người sử dụng đất; đất nhận khoán, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng, phù hợp với dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

  • Thứ tư, đất đã được đăng ký vào sổ địa chính nhưng đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp đã quá 03 năm kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất mà không thực hiện.

  • Thứ năm, tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm công trình giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.

Điều 145 quy định về cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất:

  • Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận bao gồm nhà ở, công trình xây dựng không phải là nhà ở, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp sau khi cấp Giấy chứng nhận mà tài sản bị tiêu hủy, phá dỡ thì việc chứng nhận quyền sở hữu tài sản không còn hiệu lực pháp lý.

Mẫu nhà phố mái thái 2 tầng hiện đại
Mẫu nhà phố mái thái 2 tầng hiện đại

Các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp

Điều 146 quy định về đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp của các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận nếu có sai sót như sau: 

  • Một là, có sai sót thông tin về tên gọi, giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân, địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất so với giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận của người đó;

  • Hai là, có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận.

Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây:

  • Thứ nhất, Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất trên Giấy chứng nhận đã cấp;

  • Thứ hai, cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp;

  • Thứ ba, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

  • Thứ tư, Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đúng vị trí, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp
Các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định rõ:

  • Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận theo quy định của Luật này.

  • Đối với trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp khi thực hiện công nhận quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận là cơ quan có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng đất quy định tại Điều 140 của Luật này.

  • Trường hợp việc công nhận quyền sử dụng đất quy định tại Luật này không đúng quy định của pháp luật dẫn đến Giấy chứng nhận đã cấp thuộc điểm d khoản 2 Điều này thì việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quy định tại Luật này thực hiện sau khi có quyết định điều chỉnh, hủy bỏ việc công nhận quyền sử dụng đất.

Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật này là cơ quan có thẩm quyền xác định lại diện tích đất ở đã cấp trên Giấy chứng nhận. 

Thay đổi về quản lý chất lượng xây dựng theo quy chuẩn xây dựng nhà ở đô thị

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chiều 26-10-2023, đại biểu Quốc hội đề xuất thắt chặt quy định đối với một số loại hình nhà ở tại đô thị.

Tiêu chuẩn xây dựng chung cư mini

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã đề xuất loại hình chung cư mini dưới tên nhà ở nhiều tầng, điều này có nghĩa một hộ gia đình cá nhân có thửa đất vài trăm mét vuông có thể xây dựng chung cư mini để bán mà không cần phải thành lập doanh nghiệp; không cần lập dự án đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…. Hơn nữa, điều này cũng đặt ra vấn đề về báo cáo nghiên cứu khả thi thiết kế; thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy… Nếu đưa loại hình này vào dự thảo luật sẽ dẫn đến chung cư mini phát triển rầm rộ, không chỉ đặt ra vấn đề an toàn phòng cháy, chữa cháy mà còn liên quan đến giải quyết hạ tầng kỹ thuật xã hội như trường học, y tế… cho các hộ gia đình ở chung cư mini.

Đại biểu quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần đưa ra các quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện để chung cư mini đáp ứng tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, quy hoạch, giao thông, trường học trên địa bàn.

Tiêu chuẩn xây dựng chung cư mini
Tiêu chuẩn xây dựng chung cư mini

Quản lý, kiểm soát về quy hoạch nhà ở nhiều căn hộ

Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng nhà nước tập trung quản lý, kiểm soát về quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, cấp phép xây dựng, tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn phòng, chống cháy, nổ. Quá trình giao dịch, quản lý, sử dụng không phát sinh tranh chấp; đồng thời, đơn giản hóa các điều kiện thủ tục hành chính để các cá nhân có quyền sử dụng đất và có tiềm lực tài chính có thể dễ dàng tham gia phát triển loại nhà ở này.

Trong trường hợp dự thảo luật chưa thể bổ sung đầy đủ quy định, có thể đưa ra các quy định cơ bản mang tính nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành về phát triển loại hình nhà ở này, nhất là vấn đề liên quan đến bán, cho thuê mua, cấp giấy chứng nhận quản lý sử dụng.

Quy hoạch nhà ở nhiều căn hộ
Quy hoạch nhà ở nhiều căn hộ

Về thời hạn sở hữu nhà chung cư

Dự thảo Luật đã quy định hoàn thiện, đầy đủ hơn thời hạn sử dụng liên quan đến chuẩn kỹ thuật và an toàn trong sử dụng nhà chung cư; bảo đảm trong mọi trường hợp người dân sử dụng chung cư an toàn... Đồng thời, đã bổ sung quy định công bố về thời hạn sử dụng nhà chung cư khi hết hạn, được phân biệt rất rõ với quyền sở hữu, quyền tài sản. Trong quy định hiện hành cũng như trong dự thảo Luật, đối với nhà chung cư nói riêng và nhà ở nói chung thì không có quy định về thời hạn sở hữu. Quyền sở hữu được chấm dứt theo quy định của pháp luật. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về các trường hợp chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản khi bị tiêu hủy.

Đề nghị xem xét kỹ lưỡng nội dung về thời hạn sở hữu nhà chung cư có liên quan trực tiếp tới vấn đề Luật Đất đai có quy định loại đất xây dựng nhà chung cư có thời hạn hay không.

Trên đây là toàn bộ những thay đổi chính trong quy định xây dựng nhà ở đô thị 2024 dựa trên cơ sở pháp lý luật xây dựng được cập nhật mới nhất năm 2023. 

Xem thêm: (2023) Quy định về xây dựng nhà ở theo đúng quy định pháp luật

By https://vinavic.vn/
https://vinavic.vn/

Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Quy định xây dựng nhà ở đô thị năm 2024 có gì thay đổi
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Phong thủy
Chúng tôi có thể hỗ trợ bạn!
0.14515 sec| 2507.313 kb