Quy trình cán nền đạt chuẩn và lưu ý trong quá trình thi công
Cán nền là một bước kỹ thuật quan trọng trong thi công hoàn thiện sàn, đóng vai trò tạo lớp đệm vững chắc, đảm bảo bề mặt phẳng và độ dốc tiêu chuẩn cho các lớp hoàn thiện tiếp theo như lát gạch, sơn phủ hoặc chống thấm. Bài viết hôm nay Vinavic sẽ chia sẻ cùng bạn mục đích của việc cán nền và quy trình chuẩn chi tiết khi cán nền. Bạn hãy cùng theo dõi ngay nhé!

Cán nền là gì?
Cán nền là công đoạn san phẳng, tạo mặt bằng bằng phẳng bằng vữa xi măng hoặc bê tông, chuẩn bị cho các bước thi công hoàn thiện tiếp theo như lát gạch, dán sàn gỗ, sơn epoxy, v.v. Đây là bước rất quan trọng trong xây dựng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến độ bền, tính thẩm mỹ và chất lượng công trình.
Xem thêm:
Khoan dẫn cọc ép là gì? Tại sao phải ép cọc bê tông?
Tại sao nên dùng ke cân bằng gạch trong việc thi công ốp lát
Mục đích của việc cán nền
Cán nền giúp tạo mặt bằng phẳng để chuyển bị thi công sàn hoàn thiện. Từ đó giúp tăng độ bám dính của lớp vật liệu hoàn thiện như gạch, sơn sàn, thảm,...
Đây còn là yếu tố quan trọng để hỗ trợ thoát nước tốt nếu như có độ dốc phù hợp.
Ngoài ra cán nền còn giúp chống nứt, chống thấm, tăng tuổi thọ sàn.

Phân loại cán nền
Tùy theo mục đích sử dụng vật liệu thi công và vị trí mà cán nền được phân chia thành những loại sau:
Cán nền xi măng
Thành phần chính là xi măng, cát vàng và nước. Chúng được ứng dụng trong xây dựng dân dụng nhà ở, căn hộ, văn phòng, trường học. Có ưu điểm là thi công đơn giản, chi phí thấp và dễ điều chỉnh độ dày.
Cán nền bê tông
Thành phần chính là xi măng, cát, nước và đá. Dùng để ứng dụng làm nhà xưởng, gara, tầng trệt, kho hàng,...ưu điểm là độ cứng chắc, chịu lực tốt và ít co ngót.
Quy trình khi cán nền
Cán nền là công đoạn thi công quan trọng để đảm bảo độ phẳng, dốc, khả năng liên kết giữa các lớp hoàn thiện tiếp theo. Sau đây là quy trình cán nền chuẩn kỹ thuật:
Chuẩn bị bề mặt nền
Vệ sinh sạch sẽ bề mặt nền cần cán, loại bỏ bụi bẩn, dầu mỡ, tạp chất hoặc nước đọng. Nếu là nền bê tông cũ thì cần dùng búa đục tạo nhám để tăng độ bám dính. Còn nếu nền đất thì cần đầm chặt và có lớp lót bê tông mác 100. Bạn có thể tưới ẩm nhẹ bề mặt trước khi cán để tránh hút nước từ lớp vữa tươi.

Lấy cốt cao độ và tạo mốc
Dùng máy laser, nivô, ống nước để xác định cao độ chuẩn cho sàn. Đóng mốc thép, mốc gạch theo lưới 1-2m để làm chuẩn khi cán và nếu khu vực yêu cầu độ dốc thì cần xác định độ nghiêng và hướng thoát nước.
Trộn vữa cán nền
Tỉ lệ chuẩn là 1 phần xi măng và 3 phần cát vàng sạch, được trộn đều bằng máy hoặc thủ công, độ ẩm vừa phải có thể thêm phụ gia hoặc chống thấm, chống nứt.
Tiến hành cán nền
Trải vữa theo từng khu vực nhỏ, dùng thước gạt dài để gạt vữa theo chiều từ xa về gần để đảm bảo mặt phẳng và đúng cao độ. Nén chặt vữa bằng tay, đầm hoặc rung. Nên cán từng phần để vữa được khô đều hơn.

Là mặt và hoàn thiện
Sau khi cán xong, dùng bay trát mịn, tạo phẳng bề mặt. Nếu cần tạo nhám để chuẩn bị dán gạch, có thể rắc một lớp xi măng khô mỏng rồi miết nhẹ. Kiểm tra lại toàn bộ độ phẳng bằng thước dài 2m, khe hở không quá 5mm.
Bảo dưỡng nền sau khi cán
Tưới nước giữ ẩm bề mặt trong ít nhất 3–7 ngày để tránh nứt do khô nhanh. Che phủ bằng bạt, bao xi măng hoặc rơm nếu trời nắng to hoặc gió lớn. Tránh va đập hoặc đi lại trong vòng 1–2 ngày đầu.
Báo giá cán nền
Báo giá cán nền có thể đã bao gồm chi phí vận chuyển đến chân công trình. Đơn giá áp dụng cho khối lượng từ 30m2 trở lên và chưa bao gồm VAT. Bản giá có thể thay đổi theo vị trí địa lý, điều kiện thi công thực tế và đơn giá vật liệu vùng miền. Sau đây là bản giá tham khảo:
Cán nền xi măng – cát (3–5cm): 90.000 – 120.000 VNĐ/m²
Cán nền bê tông đá 1x2 (7–10cm): 150.000 – 190.000 VNĐ/m²
Cán nền chống thấm (phụ gia thêm): 130.000 – 160.000 VNĐ/m²
Nhân công cán nền (khách tự lo vật tư): 40.000 – 60.000 VNĐ/m²

Một số câu hỏi thường gặp về cán nền
Cán nền bao lâu thì lát gạch
Sau khi cán nền, bạn cần chờ một khoảng thời gian nhất định để lớp vữa khô, ổn định và đủ cứng trước khi tiến hành lát gạch. Thời gian này phụ thuộc vào độ dày nền, vật liệu sử dụng và điều kiện thời tiết.
Nền cán bằng vữa xi măng – cát (dày 3–5cm) => Tối thiểu 5 – 7 ngày
Nền cán bằng bê tông (dày 7–10cm) => Tối thiểu 10 – 14 ngày
Bạn cần chờ đù thời gian mới lát gạch vì:
- Tránh hiện tượng co ngót vữa gây nứt nền hoặc lún gạch sau này.
- Giúp lớp nền đủ độ cứng, đảm bảo kết dính tốt với lớp keo/lớp vữa lát gạch.
- Tránh tình trạng ẩm ướt gây bong gạch, đặc biệt với gạch men, gạch granite.
Tỷ lệ trộn hồ cán nền
Tỷ lệ vữa xi măng và cát thông dụng là 1 : 3 ( 1 xi măng + 3 cát vàng) Dùng cho nền nhà dân, sàn phòng, khu vực không chịu lực lớn.
Tỷ lệ vữa mác 75 -100 là
Mác 75: 1 xi măng : 4 cát
Mác 100: 1 xi măng : 3 cát

Tỷ lệ bê tông cán nền có đá là 1 xi măng : 2 cát : 3 đá dùng trong nhà xưởng, sân để xe, tầng trệt
Cán nền hồ khô hay ướt
Trong thực tế xây dựng, việc cán nền bằng hồ khô hay ướt phụ thuộc vào kỹ thuật thi công, yêu cầu chất lượng và kinh nghiệm của thợ. Tuy nhiên, phổ biến và được ưa chuộng nhất hiện nay là cán nền bằng hồ khô.
Hồ khô là loại vữa được trộn với lượng nước vừa đủ, có độ dẻo nhưng không nhão. Khi nắm vữa lại bằng tay có thể kết dính thành cục nhưng không chảy nước. Vữa dạng này giúp cán nền phẳng, dễ thi công, nhanh khô và ít bị co ngót, hạn chế tình trạng nứt chân chim hoặc lún sụt sau khi lát gạch.
Ngược lại, cán nền bằng hồ ướt (vữa trộn nhiều nước hơn) tuy dễ trải nhưng lại có nhược điểm là lâu khô, dễ co ngót khi khô nhanh, làm tăng nguy cơ nứt bề mặt hoặc bong tróc lớp gạch lát phía trên. Phương pháp này ít được sử dụng trong xây dựng hiện đại.
Nên sử dụng hồ khô để cán nền, đảm bảo độ bền, độ phẳng và chất lượng cho các công đoạn hoàn thiện tiếp theo như lát gạch, dán sàn, sơn phủ.

Cán nền 1m2 cần bao nhiêu cát
Việc tính lượng cát cần dùng để cán nền phụ thuộc vào độ dày lớp cán, tỷ lệ trộn vữa, và loại vật liệu sử dụng. Dưới đây là cách tính cơ bản và dễ áp dụng trong thực tế:
Thể tích vữa = Diện tích x Độ dày lớp cán
Nên cộng thêm 5–10% hao hụt thực tế khi mua vật liệu.
Cát dùng nên là cát vàng hạt vừa, sạch, không lẫn bùn.
Với công trình lớn, nên tính theo tổng m³ và cấp phối để đặt vật liệu chính xác.
Thi công cán nền tưởng đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự chính xác cao trong từng bước – từ lấy cốt, trộn hồ đến cán phẳng và bảo dưỡng. Chỉ khi thực hiện đúng kỹ thuật, lớp nền mới đảm bảo ổn định lâu dài và tạo điều kiện thuận lợi cho các công đoạn hoàn thiện tiếp theo.
Bạn yêu thích các chia sẻ về nội thất, kiến trúc và thiết kế? Hãy đồng hành cùng Vinavic bằng cách theo dõi chúng tôi TẠI ĐÂY nhé!
Xem thêm:
Tại sao nhà bị rung khi xe chạy? Nguyên nhân & cách xử lý
Gỗ cốp pha xây dựng có những loại nào và ứng dụng ra sao?
Tiêu chuẩn thiết kế cọc khoan nhồi: Quy trình thi công và nghiệm thu
