Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở đầy đủ, chi tiết, cập nhập mới nhất

Cẩm nang xây nhà
0
4432
vinavic - 27/02/2023
Mục lục nội dung
[xem]
  1. 1. Phạm vi áp dụng tiêu chuẩn thiết kế nhà ở 
  2. 2. Cơ sở pháp lý quy định tiêu chuẩn thiết kế nhà ở 
  3. 3. Định nghĩa nhà ở 
    1. 3.1. Nhà ở riêng lẻ là gì?
    2. 3.2. Nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh là gì? 
    3. 3.3. Nhà dân dụng là gì?
  4. 4. Tiêu chuẩn bản vẽ quy hoạch thiết kế nhà ở 
    1. 4.1. Xác định chỉ tiêu xây dựng nhà ở
    2. 4.2. Thể hiện nội dung thông tin về đất ở
    3. 4.3. Thể hiện nội dung quy mô xây dựng nhà ở riêng lẻ
  5. 5. Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở riêng lẻ 
    1. 5.1. Yêu cầu đối với thiết kế nhà ở riêng lẻ 
    2. 5.2. Mật độ xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ 
      1. 5.2.1. Mật độ xây dựng thuần tối đa cho phép
      2. 5.2.1. Mật độ xây dựng thuần
    3. 5.3. Tiêu chuẩn thiết kế kiến trúc nhà ở riêng lẻ
      1. 5.3.1. Yêu cầu về khoảng cách 
      2. 5.3.1. Yêu cầu kỹ thuật về cầu thang bộ trong nhà ở riêng lẻ
      3. 5.3.1. TCVN về lan can, ban công, logia
      4. 5.3.1. Quy định về hàng rào, cổng
      5. 5.3.1. Tiêu chuẩn thiết kế sàn, nền nhà
      6. 5.3.1. Yêu cầu thiết kế phần ngầm
    4. 5.4. Quy định về khu đất xây dựng
    5. 5.5. Tiêu chuẩn thiết kế mặt bằng công năng
    6. 5.6. Tiêu chuẩn thiết kế hệ thống kỹ thuật nhà ở riêng lẻ 
      1. 5.6.1. TCVN cấp thoát nước
      2. 5.6.1. Tiêu chuẩn thiết kế hệ thống cấp điện, chiếu sáng 
      3. 5.6.1. Yêu cầu kỹ thuật về hệ thống thông gió, điều hoà không khí 
  6. 6. Tiêu chuẩn thiết kế nhà dân dụng 

Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở là tiêu chí cơ bản không thể bỏ qua trước khi kiến trúc sư và chủ đầu tư có ý định thiết kế công trình nhà ở. 

Trong bài viết này, Kiến trúc Vinavic đã tổng hợp các quy định về tiêu chuẩn xây dựng nhà ở riêng lẻ và dân dụng được ban hành bởi Sở Xây dựng như sau.

TCVN về thiết kế nhà ở đầy đủ và chính xác nhất 2023
TCVN về thiết kế nhà ở đầy đủ và chính xác nhất 2023

Phạm vi áp dụng tiêu chuẩn thiết kế nhà ở 

  • Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở riêng lẻ quy định về yêu cầu trong thiết kế xây dựng mới hoặc cải tạo nhà ở riêng lẻ; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh. 

  • Ngoài đáp ứng các yêu cầu trong tiêu chuẩn, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh còn phải bảo đảm các yêu cầu an toàn, thuận tiện với diện tích sử dụng cho mục đích sản xuất, kinh doanh theo quy định có liên quan.

  • Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở dân dụng áp dụng để thiết kế mới hoặc cải tạo các loại nhà ở chung cư (nhà ở căn hộ), nhà ở ký túc xá xây dựng tại các thành phố, thị xã, thị trấn hay khu nhà ở của các cơ quan, xí nghiệp và trường học, những nhà ở cũ khi sửa chữa lại thuộc nhà nước quản lí, nhà ở của tư nhân xây dựng trong phạm vi khu đất nội thành, nội thị.

Cơ sở pháp lý quy định tiêu chuẩn thiết kế nhà ở 

  • TCVN 4451:2012 thay thế TCVN 4451:1987.

  • TCVN 4451:2012 được chuyển đổi từ TCVN 4451:1987 theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm b) khoản 1 Điều 6 Nghị định 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

  • TCVN 4451:2012 do Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Nhà ở riêng lẻ có 3 loại là biệt thự, nhà liên kế và nhà ở độc lập
Nhà ở riêng lẻ có 3 loại là biệt thự, nhà liên kế và nhà ở độc lập

Định nghĩa nhà ở 

Nhà ở riêng lẻ là gì?

  • Công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình.

  • Công trình được xây trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập.

    • Biệt thự: Nhà ở riêng lẻ có sân vườn (cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa), có tường rào, lối ra vào riêng biệt và có ít nhất 3 mặt tiếp xúc với thiên nhiên, sân vườn.

    • Nhà ở liên kế: Loại nhà ở riêng lẻ của các hộ gia đình, cá nhân được xây dựng liền nhau, thông nhiều tầng được xây dựng sát nhau thành dãy trong những lô đất nằm liền nhau, cùng sử dụng chung một hệ thống hạ tầng của khu vực đô thị. Có 2 loại công trình chính là: 

      • Nhà ở liên kế mặt phố: Loại nhà ở liên kế, được xây dựng trên các trục đường phố, khu vực thương mại, dịch vụ theo quy hoạch đã được duyệt. Nhà liên kế mặt phố ngoài chức năng để ở còn sử dụng làm cửa hàng buôn bán, dịch vụ văn phòng, nhà trọ, khách sạn, cơ sở sản xuất nhỏ và các dịch vụ khác.

      • Nhà ở liền kề có sân vườn: Loại nhà ở liên kế, phía trước hoặc phía sau nhà có một khoảng sân vườn nằm trong khuôn viên của mỗi nhà và kích thước được lấy thống nhất cả dãy theo quy hoạch chi tiết của khu vực. 

    • Nhà ở độc lập: Nhà ở riêng lẻ được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt, không có tường chung hoặc tường liền kề(bao gồm cả phần ngầm), độc lập về kết cấu chịu lực và các hệ thống kỹ thuật công trình với nhà ở hoặc công trình lân cận khác.

Nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh là gì? 

  • Nhà ở riêng lẻ, ngoài chức năng để ở còn sử dụng một phần diện tích để kết hợp sản xuất hoặc kinh doanh, dịch vụ.

Nhà cấp 4 được xếp loại thành nhà ở dân dụng
Nhà cấp 4 được xếp loại thành nhà ở dân dụng

Nhà dân dụng là gì?

  • Nhà tạm bợ: công trình xây dựng sơ sài, thời hạn sử dụng ngắn, có giá trị và tiện ích sử dụng thấp nhất.

  • Nhà cấp 4: là loại hình nhà ở được thiết kế chỉ 1 tầng, có niên hạn sử dụng thấp (trên dưới 30 năm), nên cần chú ý sự xuống cấp của công trình để gia cố, sửa chữa, đảm bảo an toàn khi sinh sống.

  • Nhà cấp 3: được thiết kế phần nào giống với nhà cấp 4, với kết cấu vững chãi và chắc chắn hơn. Thời gian sử dụng cao hơn loại hình nhà cấp 4 (trên 40 năm).

  • Nhà cấp 2: có niên hạn sử dụng khoảng 70 năm, không bị hạn chế về số tầng xây dựng. Loại hình này có kết cấu vững chắc và sử dụng vật liệu chất lượng tương đối tốt.

  • Nhà cấp 1: về cơ bản có những tiêu chí tương đồng với nhà cấp 2, nhưng được xây dựng với chất liệu kết cấu và giá trị cao hơn.

Thủ tục xin giấy phép xây dựng bản vẽ quy hoạch 1/500
Thủ tục xin giấy phép xây dựng bản vẽ quy hoạch 1/500 

Tiêu chuẩn bản vẽ quy hoạch thiết kế nhà ở 

3 bước hướng dẫn thủ tục lập mẫu bản vẽ dạng sơ đồ áp dụng cho công trình nhà nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng như sau:

Xác định chỉ tiêu xây dựng nhà ở

  • Các lô đất dự kiến xây dựng loại hình công trình nhà liên kế phải đảm bảo quy mô diện tích phù hợp quy hoạch tối thiểu 36m2, có chiều rộng mặt tiền tại vị trí tiếp giáp lộ giới và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng không nhỏ hơn 3m. 

  • Mật độ xây dựng (thấp hơn 50m2: 100%; 100m2: 90%; 200m2: 70%; 300m2: 60%; 500m2: 50%). Tầng cao nhà liên kế không quá 3 tầng.

  • Hệ số sử dụng đất nhà liên kế bằng tổng diện tích sàn xây dựng chia cho diện tích lô đất phù hợp quy hoạch. Hệ số sử dụng đất đối với nhà liên kế có thể khác hệ số sử dụng đất trung bình của ô chức năng.

  • Khoảng lùi xây dựng công trình và độ vươn ban công, ô văng được Sở Xây dựng quy định tại điểm 6 và điểm 10, phụ lục 18 của quyết định 56.

Thể hiện nội dung thông tin về đất ở

  • Hộ gia đình, cá nhân lập bản vẽ hiện trạng vị trí có thể hiện thông tin về đất đai có thể hiện các nội dung, bao gồm: thửa đất, tờ bản đồ, diện tích theo hiện trạng, diện tích không phù hợp quy hoạch (diện tích thuộc phạm vi lộ giới và diện tích thuộc hành lang cống thoát nước (nếu có), diện tích được công nhận và diện tích không được công nhận.

  • Đồng thời, cần có bảng liệt kê tọa độ góc ranh (theo hệ tọa độ VN 2.000); sơ đồ vị trí có thể hiện vị trí khu đất và các lô đất liền kề; bản vẽ vị trí có tỉ lệ 1/500 có thể hiện điểm góc ranh, kích thước lộ giới hoặc hẻm và ranh đất, ranh lộ giới, chỉ giới xây dựng.

Thể hiện nội dung quy mô xây dựng nhà ở riêng lẻ

  • Hộ gia đình, cá nhân tiến hành lập bản vẽ thiết kế thể hiện các nội dung: địa chỉ, cấp (hạng) nhà ở, kết cấu nhà, chiều cao công trình, tổng diện tích sàn xây dựng, diện tích sàn xây dựng của từng tầng; mặt bằng tầng 1; mặt bằng các tầng lầu (tầng lửng - nếu có); mặt đứng và mặt cắt.

  • Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng kèm bản vẽ thiết kế theo mẫu, người dân được tự tổ chức thực hiện thiết kế xây dựng công trình hoặc thuê tổ chức tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu xây dựng lập. Trong đó việc bố cục các hạng mục nội thất bên trong căn nhà sẽ do chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng tự quyết định và phải chịu trách nhiệm về an toàn cho bản thân công trình và các công trình kế cận.

Yêu cầu đối với thiết kế nhà ở gồm các bước chi tiết từ kỹ thuật tới mặt bằng công năng
Yêu cầu đối với thiết kế nhà ở gồm các bước chi tiết từ kỹ thuật tới mặt bằng công năng

Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở riêng lẻ 

Yêu cầu đối với thiết kế nhà ở riêng lẻ 

  • Nhà ở riêng lẻ cần tuân thủ về phân cấp công trình xây dựng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Hộ gia đình được tự thiết kế nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m, phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình xây dựng đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận.

  • Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ phải đảm bảo công năng phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

CHÚ THÍCH: Nhà ở riêng lẻ tại nông thôn khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.

  • Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ phải tuân thủ tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng, đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, công nghệ áp dụng (nếu có); bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong sử dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống cháy, nổ và điều kiện an toàn khác;

Mật độ xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ 

Mật độ xây dựng thuần tối đa cho phép

  • Mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chiều cao nhà ở riêng lẻ tuân thủ quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mật độ xây dựng tối đa nhà ở riêng lẻ
Mật độ xây dựng tối đa nhà ở riêng lẻ

Mật độ xây dựng thuần

  • Riêng các lô đất xây dựng nhà ở riêng lẻ có chiều cao ≤25m có diện tích lô đất ≤100m2 được phép xây dựng đến mật độ tối đa là 100% nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định về khoảng lùi, khoảng cách giữa các công trình;

  • Trong trường hợp do đặc thù hiện trạng của khu vực quy hoạch không đáp ứng được yêu cầu về khoảng lùi theo quy định tại bảng trên thì khoảng lùi do đồ án quy hoạch hoặc thiết kế đô thị xác định nhưng phải đảm bảo có sự thống nhất trong tổ chức không gian trên tuyến phố hoặc một đoạn phố;

  • Trong trường hợp do đặc thù hiện trạng của khu vực quy hoạch không đáp ứng được yêu cầu về khoảng cách tối thiểu theo quy định, khoảng cách tối thiểu giữa các công trình do đồ án quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị xác định nhưng phải đảm bảo đáp ứng được các quy định về phòng cháy chữa cháy; Các tuyến đường phục vụ xe chữa cháy tiếp cận công trình phải có bề rộng >4m; Mọi công trình đều được thông gió, chiếu sáng tự nhiên.

Tiêu chuẩn thiết kế kiến trúc nhà ở riêng lẻ

Yêu cầu về khoảng cách 

  • Khoảng cách tối thiểu giữa các dãy nhà hoặc công trình nhà ở riêng lẻ trong khu vực phát triển mới phải được quy định tại đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị. Bố trí các công trình, xác định chiều cao công trình phải đảm bảo giảm thiểu các tác động tiêu cực của điều kiện tự nhiên (nắng, gió…), tạo ra các lợi thế cho điều kiện vi khí hậu trong công trình và phải đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra khoảng cách giữa các công trình phải đáp ứng các yêu cầu:

    • Khoảng cách giữa cạnh dài của các nhà/công trình phải đảm bảo không nhỏ hơn ½ chiều cao công trình và không nhỏ hơn 7 m;

    • Khoảng cách giữa đầu hồi của nhà/công trình với đầu hồi hoặc cạnh dài của nhà/công trình khác phải đảm bảo không nhỏ hơn 1/3 chiều cao công trình và không nhỏ hơn 4 m;

    • Trường hợp trong cùng một lô đất có các dãy nhà liền kề nếu được quy hoạch cách nhau, khoảng cách giữa cạnh mặt sau của dãy nhà liền kề phải đảm bảo không nhỏ hơn 4 m.

    • Khoảng cách giữa các công trình có chiều cao khác nhau lấy theo quy định của công trình có chiều cao lớn hơn.

    • Đối với công trình có chiều dài cạnh dài và chiều dài đầu hồi tương đương nhau thì mặt công trình tiếp giáp với đường giao thông lớn nhất được tính là cạnh dài của dãy nhà.

  • Khoảng cách tối thiểu giữa các dãy nhà hoặc công trình nhà ở riêng lẻ tại các khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, khi xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa phải đảm bảo các quy định tối thiểu về phòng cháy chữa cháy theo quy định hiện hành.

  • Chiều dài tối đa của lô đất xây dựng dãy nhà ở liên kế có hai mặt tiếp giáp với các tuyến đường từ cấp đường chính khu vực trở xuống là 60 m.

  • Nhà ở riêng lẻ có chiều sâu trên 18 m phải có giải pháp kiến trúc tạo không gian đảm bảo thông gió và chiếu sáng.

Khoảng cách giữa hai nhà ở riêng lẻ yêu cầu không dưới 4 m
Khoảng cách giữa hai nhà ở riêng lẻ yêu cầu không dưới 4 m

Yêu cầu kỹ thuật về cầu thang bộ trong nhà ở riêng lẻ

  • Chiều rộng thông thủy vế thang không nhỏ hơn 0,90 m. Chiều rộng thông thủy của chiếu nghỉ, chiếu tới cầu thang không được nhỏ hơn chiều rộng thông thủy của vế thang;

  • Chiều rộng mặt bậc thang không nhỏ hơn 0,25 m;

  • Chiều cao bậc thang từ 0,15 m đến 0,18 m, trong trường hợp cần thiết có thể tăng chiều cao nhưng không vượt quá 0,19 m;

  • Cầu thang có bậc hở thì khe hở không được cao quá 100mm;

  • Mặt bậc thang phải ngang phẳng, nên sử dụng vật liệu có độ nhám không trơn trượt, trường hợp mặt bậc không đảm bảo độ nhám cần xử lý chống trơn trượt tại mũi bậc (tạo độ nhám hoặc sử dụng các loại nẹp mũi bậc chống trơn).

TCVN về lan can, ban công, logia

  • Lan can tại những nơi có chênh lệch độ cao phải liên tục, được trang bị tay vịn chịu được tải trọng ngang không nhỏ hơn 0,3 kN/m. Lan can cần có cấu tạo khó trèo, không nên làm các thanh ngang, khe hở giữa các thanh đứng không lớn hơn 100 mm. Chiều cao tối thiểu của lan can tại các vị trí lắp đặt theo quy định sau:

    • Vế thang, đường dốc (nếu có): 900 mm;

    • Lô-gia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên: 1400 mm;

    • Các vị trí khác: 1100 mm

  • Lan can lôgia/ban công của nhà ở riêng lẻ có từ 3 tầng trở lên phải làm bằng vật liệu không cháy. 

  • Độ vươn ra của ban công phụ thuộc vào chiều rộng lộ giới và được quy định tại Bảng 4.

Độ vươn tối đa của ban công
Độ vươn tối đa của ban công
  • Không làm ban công ở các ngõ/hẻm có chiều rộng nhỏ hơn 4,0 m và có dãy nhà liền kề ở hai bên ngõ. Trường hợp chỉ có một dãy nhà ở một bên ngõ thì được làm ban công có độ vươn ra tối đa là 0,6 m và chiều cao thông thủy từ mép dưới ban công tới mặt đường không nhỏ hơn 4, 25 m. Khi xây dựng ô văng, ban công phải bảo đảm các quy định về hành lang an toàn đối với hệ thống đường dây điện.

Quy định về hàng rào, cổng

  • Nhà ở riêng lẻ khi xây dựng hàng rào cần tuân thủ thiết kế đô thị được phê duyệt, chiều cao phụ thuộc vào từng khu vực nhưng không vượt quá 2,6 m;

  • Hàng rào, cổng phải sử dụng giải pháp nền móng và kết cấu đảm bảo an toàn phù hợp tiêu chuẩn hiện hành có liên quan;

  • Hàng rào không được phép xây dựng vượt ngoài ranh giới thửa đất kể cả móng;

  • Cánh cổng không được phép mở ra ngoài chỉ giới đường đỏ, ranh giới ngõ/hẻm hoặc ranh giới đất thuộc quyền sử dụng của người khác. Mép ngoài của trụ cổng không được vi phạm vào chỉ giới đường đỏ.

Tiêu chuẩn thiết kế sàn, nền nhà

  • Sàn và nền nhà cần đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và chống hiện tượng nồm, ẩm trong TCVN 9359 và TCVN 9362.

  • Bề mặt sàn và nền của các gian phòng phải bảo đảm không trơn trượt, không có kẽ hở, ít bị mài mòn, dễ làm vệ sinh.

  • Sàn nhà phải đảm bảo không rung và cách âm trong quá trình sử dụng. Không được dùng vật liệu hoặc các chất phụ gia có tính độc hại để làm vật liệu lát nền.

Yêu cầu thiết kế phần ngầm

  • Tất cả bộ phận ngầm dưới mặt đất của ngôi nhà không được vượt quá chỉ giới đường đỏ.

  • Giới hạn ngoài cùng của móng nhà và đường ống dưới đất không được vượt quá ranh giới thửa đất hoặc ranh giới nền nhà.

  • Khi xây dựng nhà ở riêng lẻ có tầng hầm, phải phù hợp quy hoạch không gian ngầm của khu vực (nếu có) hoặc định hướng quy hoạch ngầm trong tương lai tại Quy chế quản lý kiến trúc. Phải cung cấp dữ liệu công trình ngầm cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu công trình ngầm tại địa phương.

  • Nhà có hầm làm gara ngầm không nên thiết kế đường hầm gara tiếp xúc trực tiếp hoặc quá gần đường giao thông, lối đi lại của người và phương tiện khác, đồng thời khuyến khích lắp đặt đèn cảnh báo hoặc phương tiện cảnh báo dễ nhìn và dễ thấy.

  • Các lối ra vào của gara ô-tô ngầm phải đảm bảo khoảng cách sau:

    • Đến các lối vào các nhà ở khác: 100 m;

    • Đến các gian phòng hành khách của các bến xe, các lối vào của các tổ chức thương mại và thực phẩm công cộng: 150 m;

    • Đến các cơ quan và xí nghiệp về phục vụ dân sinh và các nhà hành chính: 250 m;

    • Đến các lối vào công viên, triển lãm và sân vận động: 400 m.

Xây nhà không được vượt quá chỉ giới xây dựng
Xây nhà không được vượt quá chỉ giới xây dựng

Quy định về khu đất xây dựng

  • Thửa đất xây dựng nhà ở riêng lẻ trong các khu quy hoạch xây dựng mới phải có diện tích không nhỏ hơn 50 m2, bề rộng mặt tiền nhà thỏa mãn các yêu cầu sau:

    • Không nhỏ hơn 5 m với công trình tiếp giáp với đường phố có bề rộng chỉ giới đường đỏ ≥ 19 m;

    • Không nhỏ hơn 4 m với công trình tiếp giáp với đường phố có bề rộng chỉ giới đường đỏ < 19 m.

CHÚ THÍCH: Thửa đất xây dựng mới nhà ở riêng lẻ tại các khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng. Khuyến khích hợp khối để đảm bảo diện tích tối thiểu nêu trên.

  • Đối với các khu vực hiện hữu, thửa đất xây dựng nhà ở riêng lẻ phải đảm bảo các quy định cụ thể của địa phương do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các trường hợp nhà ở có sẵn không đảm bảo theo quy định chỉ được cấp phép cải tạo và duy tu, sửa chữa theo đúng hiện trạng đã có.

  • Trường hợp xây dựng mới công trình có mục đích sử dụng khác trên thửa đất, lô đất nhà ở riêng lẻ phải lập hồ sơ thiết kế PCCC và được cơ quan cảnh sát PCCC có thẩm quyền thẩm duyệt theo quy định.

Tiêu chuẩn thiết kế mặt bằng công năng

Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh khi phần diện tích sử dụng cho các mục đích không phải ở chiếm tỉ lệ từ 70% trở lên trên diện tích sử dụng của toàn nhà hoặc nhà ở riêng lẻ chuyển đổi công năng sang các mục đích khác cần đáp ứng các yêu cầu về an toàn cháy theo quy định hiện hành và phải được cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thẩm quyền thẩm duyệt như đối với các công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy. 

Các không gian chức năng trong nhà ở riêng lẻ phải đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Hợp lý về dây chuyền sử dụng, đảm bảo độc lập, khép kín, không gian kiến trúc hài hoà trong và ngoài nhà;

  • Thích ứng với các nhu cầu sắp xếp khác nhau; Có không gian rộng, thoáng, bố cục mở để tăng hiệu quả không gian nội thất của ngôi nhà; 

  • Sử dụng hợp lý, an toàn, không phá vỡ cấu trúc và độ bền vững công trình;

  • Bảo đảm yêu cầu vệ sinh và điều kiện vi khí hậu.

Diện tích sử dụng tối thiểu các phòng/không gian chức năng trong nhà ở riêng lẻ quy định trong Bảng 3. 

Bảng 3 - Diện tích sử dụng tối thiểu các phòng/không gian chức năng trong nhà ở riêng lẻ
Bảng 3 - Diện tích sử dụng tối thiểu các phòng/không gian chức năng trong nhà ở riêng lẻ

Yêu cầu về chiều cao các phòng/không gian chức năng:

  • Chiều cao tầng không nhỏ hơn 3,0 m;

  • Chiều cao thông thu của các phòng ở không nhỏ hơn 2,6 m;

  • Chiều cao thông thu của các phòng phụ, bếp, ăn không nhỏ hơn 2,3 m

  • Chiều cao thông thu của tầng hầm, kho không nhỏ hơn 2,2 m.

Chiều dài thông thuỷ của phòng ở tính theo chiều lấy ánh sáng tự nhiên trực tiếp (lấy ánh sáng từ một phía) không được vượt quá 6,0 m và không lớn hơn hai lần chiều rộng thông thủy phòng ở. 

Tiêu chuẩn thiết kế hệ thống kỹ thuật nhà ở riêng lẻ 

TCVN cấp thoát nước

  • Hệ thống cấp nước cần liên tục đáp ứng nhu cầu sử dụng, phù hợp với các quy định trong TCVN 4513 và đảm bảo chất lượng vệ sinh theo quy định hiện hành.

  • Tiêu chuẩn dùng nước cho ăn uống sinh hoạt và các nhu cầu khác tính theo đầu người tại các điểm dân cư lấy theo bảng 5.

Bảng 5 - Tiêu chuẩn dùng nước theo đầu người tại các điểm dân cư
Bảng 5: Tiêu chuẩn dùng nước theo đầu người tại các điểm dân cư
  • Mạng lưới đường ống cấp nước bên trong phải được đặt trong hộp kỹ thuật, hạn chế đặt chung với các đường ống thông gió và thông hơi.

  • Cần đảm bảo cấp nước liên tục cho nhu cầu sử dụng nước, nên bố trí bể chứa nước ngầm để đảm bảo khối lượng nước dự trữ. Tận dụng triệt để áp lực đường ống cấp nước bên ngoài. Trường hợp không đủ áp lực và lưu lượng nước phải bố trí bể chứa, máy bơm hoặc các thiết bị tăng áp khác.

  • Đường ống cấp nước vào nhà và phải được nối với đường ống cấp nước chung của khu ở.

  • Tiêu chuẩn nước thải sinh hoạt được lấy theo tiêu chuẩn thoát nước và được thiết kế theo chế độ tự chảy. Thiết kế hệ thống thoát nước bên trong cần tuân thủ các quy định trong TCVN 4474.

  • Hệ thống thoát nước mưa trên mái đảm bảo thoát nước mưa với mọi thời tiết trong năm. Hệ thống thoát nước mưa trên mái được thu gom qua các phễu thu chảy đến các ống đứng, nối vào hệ thống thoát nước của nhà. Cách bố trí phễu thu nước mưa trên mái phải dựa vào mặt bằng mái, diện tích thu nước cho phép của một phễu thu và kết cấu mái nhà.

  • Cần lắp đặt bể tự hoại để xử lý nước thải của khu vệ sinh trước khi thải vào vào hệ thống thoát nước chung của đô thị, khu dân cư. Nên bố trí hệ thống thoát nước phân tiểu và nước sinh hoạt riêng. Bể tự hoại được đặt ngầm dưới đất và phải có vật che chắn bảo vệ.

Tiêu chuẩn thiết kế hệ thống cấp điện, chiếu sáng 

  • Hệ thống đường dây dẫn điện cần được thiết kế độc lập với các hệ thống khác và đảm bảo dễ dàng thay thế, sửa chữa khi cần thiết, phù hợp với các quy định trong TCVN 7447, TCVN 9206, TCVN 9207 và quy định hiện hành.

  • Hệ thống điện cần được bảo vệ bằng các thiết bị chống quá tải như áptomát, cầu chì. Ổ cắm điện và các hộp nối lắp đặt tại các phòng trong công trình được thiết kế đặt ở vị trí, độ cao không nhỏ hơn 0,8 m.

  • Số lượng, quy cách của các loại dây điện, ổ cắm, cầu dao công tắc phải phù hợp với thiết kế cho việc sử dụng điện của từng căn nhà và đảm bảo các yêu cầu sau:

    • Dây dẫn điện phải được đi ngầm trong tường hoặc có vỏ bọc chắc chắn nếu đi bên ngoài;

    • Các công tắc điều khiển, cầu chì, ổ cắm được nên lắp đặt ở độ cao không nhỏ hơn 1,4 m và phải có hộp hay lưới bảo vệ hoặc có nắp đậy an toàn;

  • Không đặt ổ cắm điện trong phòng vệ sinh, nhà tắm, nếu có phải đặt sau cầu chì/Ap-to-mat và ở vị trí an toàn, độ cao không nhỏ hơn 1,4 m.

  • Chiếu sáng bên trong nên triệt để tận dụng chiếu sáng tự nhiên, các giải pháp chống nóng, chắn nắng, chắn gió không được ảnh hưởng đến chiếu sáng tự nhiên và áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Bảng 6 - Hệ số chiếu sáng tự nhiên tối thiểu
Bảng 6 - Hệ số chiếu sáng tự nhiên tối thiểu

Yêu cầu kỹ thuật về hệ thống thông gió, điều hoà không khí 

  • Thiết kế hệ thống thông gió và điều hoà không khí cần phù hợp với các quy định trong TCVN 5687 và các quy định hiện hành.

  • Sử dụng các giải pháp công nghệ, giải pháp kiến trúc, giải pháp kết cấu hợp lý nhằm đảm bảo yêu cầu vệ sinh, tiêu chuẩn kỹ thuật, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

  • Hệ thống thông gió cần tận dụng thông gió tự nhiên, tạo gió xuyên phòng bằng các giải pháp cửa đón gió vào và cửa thoát gió ra.

  • Nên sử dụng các giải pháp thiết kế kết cấu bao che nhằm giữ được nhiệt, hạn chế gió lạnh về mùa đông, tránh nắng nóng về mùa hè, phù hợp với các quy định trong TCVN 4605.

  • Cần bố trí thông gió cục bộ cho khu vực bếp, phòng tắm, phòng vệ sinh, lưu lượng thông gió hút thải cục bộ lấy theo bảng 9. Không sử dụng giải pháp thông gió tự nhiên cho các phòng/không gian khác qua khu bếp, vệ sinh.

  • Lưu lượng thông gió hút thải cục bộ tối thiểu theo quy định tại bảng 8.

Bảng 8 - Lưu lượng thông gió hút thải cục bộ tối thiểu
Bảng 8 - Lưu lượng thông gió hút thải cục bộ tối thiểu

Tiêu chuẩn thiết kế nhà dân dụng 

  • Nhà ở được thiết kế theo loại và cấp công trình như quy định về phân loại, phân cấp công trình dân dụng.

  • Theo tiêu chuẩn thiết kế nhà ở dân dụng khi thiết kế nhà ở phải đảm bảo độ bền vững, an toàn, tiện nghi sử dụng của công trình, phù hợp với điều kiện khí hậu, tự nhiên, phong tục tập quán, đáp ứng yêu cầu về an toàn sinh mạng và sức khỏe, đảm bảo yêu cầu tiếp cận và sử dụng của người khuyết tật theo quy định hiện hành.

  • Theo tiêu chuẩn thiết kế nhà ở dân dụng khi tầng kỹ thuật được thiết kế dưới nền của tầng một hoặc tầng trệt (trong tầng hầm) thì chiều cao thông thủy tầng kỹ thuật không được nhỏ hơn 1,6 m và phải được thông trực tiếp với bên ngoài bằng cửa hoặc lỗ qua tường có nắp không nhỏ hơn 0,6 m x 0,6 m.

  • Khi chiều cao tầng nửa hầm, tầng áp mái kể cả tầng trên mặt đất tính từ cao độ mặt đất theo quy hoạch được duyệt đến mặt trần hoàn thiện không nhỏ hơn 2 m thì được xác định là tầng của ngôi nhà.

CHÚ THÍCH: Theo tiêu chuẩn thiết kế nhà ở dân dụng cao độ mặt đất theo quy hoạch được duyệt là cao độ vỉa hè được quy định là cao độ ± 0,000 tại vị trí có công trình để tính toán chiều cao cho phép của ngôi nhà.

  • Khi thiết kế chỗ lắp đặt thiết bị điều hòa, chỗ phơi quần áo cần đảm bảo không làm ảnh hưởng đến kiến trúc mặt đứng của công trình và vệ sinh môi trường. Chỗ để điều hòa cần thống nhất vị trí, kích thước để đảm bảo mỹ quan.

  • Tùy vào yêu cầu cụ thể để thiết kế phòng thu gom rác tại chỗ đặt tại các tầng hay bố trí đường ống đổ rác cho tòa nhà.

  • Mặt ngoài công trình không được sử dụng màu sắc, vật liệu gây ảnh hưởng tới thị giác, sức khỏe con người. Đảm bảo các điều kiện về an ninh, tiếng ồn, tầm nhìn, cảnh quan và vệ sinh môi trường.

  • Biển quảng cáo gắn với tòa nhà ở chung cư phải tuân thủ quy định có liên quan về quảng cáo.

  • Phân định diện tích trong nhà ở được quy định trong Phụ lục A của tiêu chuẩn này.

  • Phương pháp xác định hệ số khối, hệ số mặt bằng của nhà ở được xác định theo Phụ lục B của tiêu chuẩn này.

  • Khi thiết kế nhà ở căn hộ và nhà ở ký túc xá, ngoài việc tuân thủ các quy định trong tiêu chuẩn này cần tuân thủ các quy định trong TCVN 4450 và TCVN 9210:2012 .

Qua bài viết trên đây, Kiến trúc Vinavic đã thống kê những tiêu chuẩn thiết kế nhà ở riêng lẻ và dân dụng theo pháp luật hiện hành mới nhất với những gia chủ đang có nhu cầu lập bản vẽ thiết kế thi công và có ý định xin giấy phép xây dựng.

Để được tư vấn thêm về các vấn đề thủ tục pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ số hotline 0975678930 (khu vực Hà Nội) và 0982303304 (khu vực TP HCM).

 

By https://vinavic.vn/
https://vinavic.vn/

Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở đầy đủ, chi tiết, cập nhập mới nhất
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Phong thủy
Chúng tôi có thể hỗ trợ bạn!
0.09962 sec| 2583.836 kb