Tìm hiểu kiến trúc nhà ở đặc trưng của việt nam hiện nay

Mẫu nhà đẹp
0
22991
vinavic - 13/02/2023

Kiến trúc nhà ở đặc trưng của Việt Nam bao gồm những căn nhà một hay nhiều tầng với các dáng nhà và dáng mái đặc trưng khác nhau trải dài từ Bắc vô Nam, đạt được sự liên kết và chín muồi về bản sắc thị giác và văn hoá, khiến ai ai cũng thiết tha có một nếp nhà.  

Cùng Kiến trúc Vinavic tìm hiểu những kiến trúc nhà ở gắn liền với bản sắc văn hoá Việt Nam đậm nét nhất trong bài viết dưới đây.  

Kiến trúc nhà ở Việt Nam truyền thống và hiện đại
Kiến trúc nhà ở Việt Nam truyền thống và hiện đại 

Đặc điểm kiến trúc nhà ở đặc trưng của Việt Nam 

Quan niệm về nếp nhà trong văn hoá và các loại hình nhà ở

  • Việt Nam với bề dày lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước luôn gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước đề cao của cải vật chất hữu hình là đất đai và nhà cửa. 

  • Việc xây cất nhà cửa luôn được coi là việc lớn cả đời, yêu cầu nhiều nghi thức trang trọng như đi coi ngày lành tháng tốt, bản mệnh gia chủ, làm lễ động thổ,...

  • Ảnh hưởng văn hoá thời Pháp thuộc làm thay đổi quan niệm về nếp nhà của một bộ phận người nông dân Việt Nam chuyển thành tiểu tư sản và công nhân đang đề cao “tứ đại đồng đường” chia lìa dần thành các tiểu gia đình.   

  • Phân loại các kiến trúc nhà đặc trưng ở Việt Nam: 

Kiến trúc nhà đặc trưng của Việt Nam gồm có kiến trúc nhà cổ và nhà hiện đại. Kiến trúc nhà Việt cổ đặc trưng là các mẫu nhà ba gian, nhà năm gian, nhà bảy gian, nhà chín gian. Còn kiến trúc nhà ở hiện đại ở Việt Nam bao gồm nhà mái ngói nông thôn, nhà biệt thự đơn lập, có khuôn viên vườn rộng xung quanh, biệt thự mini, nhà phố, biệt thự liền kề, nhà cao tầng mái ngói, mái bê tông, căn hộ chung cư, nhà sàn và nhà nổi.

Kiến trúc nhà Việt cổ 

Các mẫu nhà cổ truyền thống đặc trưng

Người Việt xưa thường làm các gian nhà theo cơ số lẻ, giữ nguyên số lượng chái nhà bằng hai. Nhà hai chái có hình thức hai mái, hai đầu hồi bít đốc hoặc bốn mái, hai đầu hồi. 

Các kiểu nhà gỗ truyền thống phổ biến: 

  • Nhà 3 gian 

  • Nhà 5 gian (nhà 3 gian 2 chái)

  • Nhà 7 gian (nhà 5 gian 2 chái)

  • Nhà 9 gian (nhà 7 gian 2 chái) 

Khối nhà một gian hai chái ở đồng bằng Bắc Bộ
Khối nhà một gian hai chái ở đồng bằng Bắc Bộ

Mỗi công trình nhà cổ đều phản ánh khả năng hiểu biết của con người với những hình khối sẵn có trong tự nhiên. Kiến trúc nhà ở Việt Nam bị chi phối bởi những yếu tố địa phương như khí hậu, thổ nhưỡng, các giai cấp,...

  • Theo điều kiện tự nhiên sẵn có: Người Việt thường chọn xây nhà ở vùng đồng bằng đất phù sa màu mỡ, tạo điều kiện chăn nuôi, trồng trọt, tận dụng được ưu thế có sẵn trong tự nhiên. 

  • Theo giai cấp: Nhà người nghèo lợp mái tranh, vách đất, kèo cột tre nứa, nền đất; nhà người khá giả làm bằng gỗ xoan, mái lợp rạ, cỏ tranh, vách bùn nhào rơm, nền gạch; nhà người giàu làm bằng gỗ lim, mít,... có chạm trổ, mái lợp ngói, nền gạch,...

  • Theo chức năng: Người nghèo thường làm nhà một gian hai chái hoặc ba gian hẹp; người khá giả và giàu sang xây nhà ba gian hai chái hoặc năm gian hai chái.

Hướng nhà được ưa chuộng là hướng Nam, phù hợp với điều kiện thời tiết và khí hậu Việt Nam.

Cấu trúc nhà cổ của người Việt có 3 nét đặc trưng nổi bật, toạ ra sự khác biệt với các kiểu kiến trúc cổ của các quốc gia phương Đông khác như Trung Hoa, Nhật Bản,...: 

  • Dốc mái thẳng.

  • Cột nhà to phình ở giữa thân dưới.

  • Đỡ mái hiên bằng bảy, kẻ.  

Mái nhà thẳng

  • Triền mái nhà cổ Việt Nam thẳng chứ không cong, góc mái hếch lên làm mềm nét thẳng, tạo sự thanh thoát. Góc mái (tàu đao) cong uốn ngược được gọi là đao quật. Mái nhà Trung Hoa thời Minh, Thanh hay mái nhà Nhật truyền thống có thân mái võng hơn. 

  • Đầu đao thường trang trí những con giống đất nung hay gạch vữa tượng trưng cho tinh thần của cả ngôi nhà. 

  • Một số hoạ tiết trang trí mái phổ biến ở các bộ phận khác: gạch hoa chanh đặt ở các bờ nóc, con kìm (long nghê, cá chép hoá rồng) gắn hai đầu bờ nóc ở đỉnh mái, con sô/con náp/lạc long thuỷ quái trang trí bờ quyết (bờ guột). Vỉ ruồi (khu đĩ) thường để trống, có chạm yến.  

  • Mái nhà lớn, chiếm ⅔ chiều cao mặt đứng ngôi nhà, đặc biệt là với hệ mái đình. 

  • Mái được đỡ bằng cây kẻ hay bẩy - mộ thanh gỗ đặt chéo theo triền dốc mái và vương ra ở diềm mái. 

Tham khảo thêmBiệt thự song lập là gì? Phân biệt mẫu nhà đơn lập và song lập

Mái nhà Việt cổ thẳng hơn mái nhà người Hoa thời Minh, Thanh
Mái nhà Việt cổ thẳng hơn mái nhà người Hoa thời Minh, Thanh

Cột nhà mập

  • Tiết diện cột phổ biến là cột thân trong hoặc cột vuông. 

  • Cột đóng vai trò chịu tải chính cho cả công trình, đặt trên các chân trụ chứ không chôn xuống đất. 

  • Khối nhà chính bao gồm các vì nhà dựng lên nối với nhau bởi các thanh xà ngang, xà ngưỡng. 

  • Vì nhà là đơn vị cơ bản đo kích thước nhà. Khoảng không giữa hai vì gọi là gian. Kiểu dáng vì nhà thay đổi linh hoạt theo từng địa phương và từng thời kỳ. 

Cột nhà mập, giữa thân dưới phình ra
Cột nhà mập, giữa thân dưới phình ra

Thanh gỗ thường được chạm trổ

  • Các công trình nhà cổ Việt ưa chuộng để màu gỗ mộc rồi chạm khắc lên các thanh gỗ trong nhà, khác với nhà người Hoa thường vẽ hình và sơn màu thanh gỗ sặc sỡ.

  • Những đường nét chạm trổ, điêu khắc kỳ công thể hiện được tinh thần và tiêu chuẩn về cái đẹp trong kiến trúc nhà cổ truyền thống. 

Thanh gỗ nhà cổ thường được trạm khắc
Thanh gỗ nhà cổ thường được trạm khắc

Dùng thước tầm để đo kích thước 

  • Thước tầm là loại thước được tính theo kích thước cơ thể gia chủ, dùng để đo các loại kích thước nhà gỗ cổ của người Việt.

  • Thước tầm tạo ra vẻ đẹp hình học cân đối, từ tỉ lệ chiều cao mái so với chân cột đến độ dốc mái. 

Thước tầm có ý nghĩa quan trọng với kiến trúc nhà gỗ
Thước tầm có ý nghĩa quan trọng với kiến trúc nhà gỗ

Kiến trúc nhà ở hiện đại 

Đi kèm với tốc độ phát triển của đô thị là làn sóng dịch chuyển từ nhà truyền thống kiểu đại gia đình sang căn hộ độc lập cho tiểu gia đình gồm 2 - 3 thế hệ. 

Đất đai nhà cửa vẫn được tạo nên nhằm mục đích tạo dựng di sản cho con cháu, tuy nhiên kiến trúc nhà hiện đại được thiết kế đơn giản và linh hoạt hơn, lược giản chất liệu quý khó kiếm và các chi tiết chạm khắc kỳ công, cho phép các đời sau thoải mái cải tạo mà không sợ phạm phải những giá trị truyền thống và đắt đỏ. 

Các kiểu nhà hiện đại đặc trưng ở Việt Nam

  • Nhà ở nông thôn: nhà mái ngói truyền thống hoặc biệt thự biệt lập có khuôn viên vườn rộng.

  • Nhà ở thành thị: 

    • Nhà biệt thự mini.

    • Nhà phố mặt tiền hẹp, một dãy xây sát nhau, chung kiểu kiến trúc và bám sát đường giao thông.

    • Nhà cao tầng mái ngói hoặc mái bê tông.

    • Căn hộ chung cư.  

  • Nhà ở các khu vực đặc thù: 

    • Nhà sàn.

    • Nhà nổi.

Tham khảo thêm: Thiết kế nhà ở nông thôn có kiến trúc như thế nào?

Nhà phố liền kề kiến trúc tương đồng xếp theo một dãy dọc mặt đường
Nhà phố liền kề kiến trúc tương đồng xếp theo một dãy dọc mặt đường

Nhà ở nông thôn

  • Kiến trúc nhà nông thôn gắn liền với văn hoá đồng ruộng, thường được xây trên khu đất biệt lập diện tích khoảng một sào (360m2), bao quanh bởi giếng, ao, sân vườn có rào giậu, dùng để vừa ở vừa tự sản xuất nuôi trồng. 

  • Vật liệu làm nhà đơn sơ, tận dụng những chất liệu địa phương có sẵn lấy từ đất đá và thảo mộc như gỗ, tre, rơm, rạ, đá ong, đá hộc,...

  • Cách sắp xếp không gian năng động có sự hài hoà giữa con người và thiên nhiên, tổ chức sân vườn, cổng, ao cá, chuồng gia súc,... thể hiện lối sống tranh thủ thời gian, hướng về thiên nhiên với nhiều không gian nửa kín (hiên, thềm,...) và hở (sân, cầu ao,...).

  • Khối nhà chính được xây trên khu đất cao nhất, dùng làm không gian sinh hoạt chung  và thờ cúng. Quanh nhà trồng nhiều cây lấy gỗ và cây ăn quả xum xuê, che bớt nắng cho khối nhà chính.  

  • Sân phơi chính có vai trò quan trọng, là nơi tiến hành sản xuất, chỗ phơi phóng. Các công trình phụ như bếp, nhà vệ sinh, xưởng,... được xây ôm lấy sân rộng.

  • Ao cá thường được bố trí ở chỗ thấp nhất phía đầu gió trước nhà.

Mẫu nhà vườn ở nông thôn có ao cá
Mẫu nhà vườn ở nông thôn có ao cá

Nhà ở thành thị

  • Biệt thự phố là loại nhà xây độc lập, thường có sân vườn đẹp, phục vụ nhóm người có điều kiện kinh tế cao. Quy hoạch đô thị thường chỉ cho phép xây biệt thự phố ở ngoại thành hoặc khu nghỉ mát. Kiến trúc biệt thự phố có nhiều nét tương đồng với nhà khối ghép ít tầng, ngôi nhà chính từ 1 - 4 tầng, không thể thiếu gara. Các kiểu biệt thự phố phổ biến nhất là biệt thự đơn lập (cho một gia đình) và biệt thự song lập (cho hai gia đình). 

  • Nhà phố kiểu liền kề hay còn được gọi là nhà ở khối ghép, nhà hàng phố, nhà kiểu dãy, kiểu băng. Đây là mẫu nhà gần giống như biệt thự đơn và song lập, tiêu chuẩn thấp hơn biệt thự thường, rất được ưa chuộng ở các thành phố vừa và nhỏ, bao gồm các căn hộ (apartment) rộng 80m2 - 120m2 xếp cạnh nhau thành dãy, tiết kiệm đất xây dựng. Hình dáng nhà khối đa dạng, có thể có hình chữ L, hình chữ nhật,... Số tầng dao động từ 1 - 3 tầng, có thể kết hợp vừa ở vừa kinh doanh buôn bán. Mặt tiền không nhỏ hơn 3.3m.

  • Căn hộ chung cư: Là nhà tập thể dành cho nhiều gia đình, gồm một chuỗi nhà có không gian khép kín phục vụ đời sống sinh hoạt. Các căn hộ này tập hợp xung quanh hành lang, cầu thang công cộng. Nhà chung cư được xây dựng từ 4 tầng trở lên, chung cư cao tầng (>8 tầng) phải có thang máy. Chung cư nhiều tầng (4 - 6 tầng) và chung cư thấp tầng (2 - 3 tầng) không có thang máy. 

Mẫu nhà ống mặt tiền tiếp giáp đường chính
Mẫu nhà ống mặt tiền tiếp giáp đường chính

Nhà ở các khu vực đặc thù

  • Nhà nổi: Là các nhà thuyền, nhà bè quây quần tụ lập nên các xóm chài bởi những gia đình làm nghề sống nước, có thể nuôi cả gia súc ở trên thuyền. Những người không trực tiếp làm nghề sông nước nhưng sống ở vùng ngập lụt quanh năm thì xây nhà cao cẳng, sàn bằng ván, xếp thành dãy dọc bờ kênh, bờ sông.

  • Nhà sàn: Kiểu nhà thường được thấy ở Việt Nam trên các vùng đồi núi hoặc ven sông từ thời Đông Sơn. Nhà được xây nâng sàn lên cao, có nhiều cột đỡ, mái cao, cửa thấp, dùng để đối phó với môi trường dễ ngập lụt, khí hậu có độ ẩm cao, xua đuổi côn trùng, thú dữ. Lối xây dựng nhà sàn hiện nay vẫn được ưa chuộng ở các vùng núi Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long,...

Kiến trúc nhà sàn ở Tây Nguyên
Kiến trúc nhà sàn ở Tây Nguyên

Đặc điểm phong thuỷ kiến trúc nhà ở đặc trưng của Việt Nam

Hướng cửa và cổng

  • Cửa nhà không làm cao như mái mà xây rộng để tránh nắng xiên khoai và  tránh bị ma bắt. 

  • Đầu hồi nhà thường để hở một khoảng hình tam giác để thoát hơi nóng trong nhà và khói đun bếp.

  • Xây cửa và cổng lệch nhau (cửa thường xây giữa nhà, cổng xây lệch về bên trái) để tránh đón gió độc, gió mạnh, tránh để con đường xuyên thẳng vào nhà.

  • Cách xác định hướng cửa chính theo phong thuỷ hiện đại:

    • Hướng cửa là đường nối tâm nhà vuông góc với trung điểm mặt ngang của cửa chính. 

    • Hướng cửa có thể trùng hoặc không trùng với hướng nhà.

    • Hướng cửa phải nằm vào cung tốt của trạch quẻ.

    • Xác định vị trí cửa chính trên bản vẽ mặt bằng nhà bằng bản đồ trạch quẻ, đơn giản hơn thì có thể xác định hướng cửa chính theo nhu cầu hướng đón gió.  

Hướng cửa chính phải nằm ở cung tốt quẻ trạch
Hướng cửa chính phải nằm ở cung tốt quẻ trạch

Hướng nhà

Hướng nhà là hướng có đường thẳng vuông góc với mặt tiền của ngôi nhà.

  • Ông bà ta từ thời nguyên thuỷ đã biết xây nhà về hướng Nam để chống nóng và chống rét, bắt nguồn từ những di chứng khảo cổ học chứng tỏ đã từng có người sinh sống ở các hang động hướng Nam và Đông Nam ở Hoà Bình. 

  • Cửa chính các kinh thành khi xưa luôn là cửa phía Nam (Ngọ môn kinh thành Huế).

  • Người Việt Nam đã làm nhà là phải làm hướng Nam (“lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam") bởi đây là hướng thời tiết ôn hoà nhất trong tất cả các hướng: sáng chiều không bị nắng xiên khoai, tránh được hướng Tây mặt trời chiếu gay gắt, hướng Đông bão tố và hướng Bắc gió mùa. Gió Nam thổi vào mùa nóng thì mát mẻ, ôn hoà.

Tuy nhiên, phong thuỷ hiện đại xác định hướng nhà theo thế đất và theo luật âm - dương:

  • Xác định hướng nhà theo thế đất: 

    • Là xác định được hướng nước chảy (cả nước bề mặt và nước ngầm), đẹp nhất là xác định được hướng nước chảy từ trái qua phải. 

    • Điểm tốt nhất để đặt tâm nhà là giao điểm giữa thuỷ đầu (điểm nước chảy đến) và thuỷ khẩu (điểm nước chảy đi). 

    • Xác định đường chỉ hướng nhà theo bản đồ trạch quẻ để được cung tốt và tâm nhà có thể chạy song song với đường thuỷ khẩu.

    • Thế đất tụ khí là thế đất tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, hậu Huyền Vũ, tiền Chu tước (phía trước thấp, phía sau cao, hai bên có dải cao bao vòng). 

    • Nếu gặp khó khăn trong việc xác định thuỷ đầu và thuỷ khẩu thì cứ xây nhà hướng về nơi đất thấp và đón gió chủ đạo. 

  • Xác định hướng nhà dựa trên khoảng không vượng nhất về dương khí:

    • Nhà có sân rộng thì mặt có sân là hướng nhà. 

    • Nhà có một mặt tiền giáp đường, ba mặt tiền sát tường thì mặt có con đường là hướng nhà.

    • Nhà có hai mặt tiền giáp đường, cửa chính nằm ở mặt nào thì mặt đó là hướng nhà.

Hướng nhà được xác định theo thế đất và dương khí
Hướng nhà được xác định theo thế đất và dương khí

Phong thuỷ phòng bếp 

  • Nền văn hoá nông nghiệp lúa nước trọng bên trái nên vị trí bàn thờ Thổ công và bếp đều được đặt ở bên trái khối nhà chính ở phía Đông, hướng bếp nhìn về phía Tây, tránh gió biển phía Nam và Đông thổi dạt vào vách nhà, dễ gây hoả hoạn, lục đục gia môn. 

  • Hướng bếp ngược với hướng người đứng nấu, không đặt đối diện cửa vệ sinh, không đặt trên bể phốt. 

  • Luận về phái Bát trạch, hướng bếp xác định theo tuổi gia chủ. 

  • Luận về Huyền, nên đặt bếp đúng cung vượng về vận và các sao hoả vượng, không quan trọng tuổi gia chủ. 

  • Luận về phái Dương trạch tam yếu thì nhà thuộc tây tứ bố trí tây trù, nhà thuộc đông tứ bố trí đông trù.   

Hướng phòng bếp tránh đón gió biển từ phía Đông trực tiếp
Hướng phòng bếp tránh đón gió biển từ phía Đông trực tiếp

Phong thuỷ phòng ngủ

  • Khi xem phong thuỷ xác định hướng phòng ngủ cần ưu tiên yếu tố thoải mái, thư thái để đảm bảo chất lượng giấc ngủ.

  • Cách xác định hướng phòng ngủ:

    • Chủ nhà hợp hướng sẽ ngủ phòng giáp mặt tiền. 

    • Trường hợp chủ nhà không hợp hướng mặt tiền thì ngủ phòng mặt sau theo phái Bát.

    • Trường hợp chủ nhà không hợp cả 2 mặt tiền và hậu thì đặt giường ngủ gần trung cung, nằm vào phương vị và hướng đầu giường hợp phái Bát trạch.

  • Bố trí nội thất tránh đặt gương chiếu thẳng vào giường. Gương nên kê sát tường để có giấc ngủ sâu. 

Không đặt gương chiếu thẳng vào giường
Không đặt gương chiếu thẳng vào giường

Phong thuỷ phòng thờ

  • Kiến trúc nhà ở Việt Nam đặc biệt chú trọng đến vị trí phòng thờ. Đây là chốn linh thiêng, không được xâm phạm, cần được đặt ở vị trí sạch sẽ, tách biệt với khu vực vệ sinh, cầu thang, ngay lối ra vào hoặc phòng bếp.

  • Tránh đặt hướng ban thờ quay về sau nhà trong trường hợp chủ nhà không hợp hướng đất, như thế là bắt các quan úp mặt vào sau nhà, dễ bị phạt.

Tham khảo thêm: Những nguyên lý thiết kế kiến trúc nhà ở bạn cần biết

Vị trí phòng thờ đảm bảo khô thoáng
Vị trí phòng thờ đảm bảo khô thoáng

Kiến trúc Vinavic luôn đảm bảo cung cấp giải pháp tư vấn thiết kế kiến trúc nhà ở đặc trưng của Việt Nam đẹp có chi phí phải chăng nhất với khách hàng đang quan tâm tới chủ đề này.  

By https://vinavic.vn/
https://vinavic.vn/

Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Tìm hiểu kiến trúc nhà ở đặc trưng của việt nam hiện nay
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Phong thủy
Chúng tôi có thể hỗ trợ bạn!
0.13443 sec| 2507.125 kb