Thủ tục hoàn công nhà ở cần chuẩn bị những gì, nộp ở đâu?
Sau khi xây dựng nhà ở xong, để ngôi nhà được đưa vào sử dụng thì gia chủ cần thực hiện hoàn công nhà ở. Vậy hoàn công nhà cần giấy tờ gì, thủ tục như thế nào để đảm bảo quyền sở hữu của chủ nhà... tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Thủ tục hoàn công nhà ở là gì?
Thủ tục hoàn công nhà ở là thủ tục nghiệm thu công trình và thông báo cho cơ quan nhà nước trước khi đưa vào sử dụng. Thủ tục này được thực hiện bởi chủ đầu tư hoặc cá nhân (đối với nhà ở riêng lẻ) theo khoản 9 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014.
Có thể hiểu đây là một hoạt động trong công tác xây dựng nhà ở nhằm thông báo với chủ nhà công trình đã hoàn thành xong sau khi được cấp phép xây dựng đồng thời thực hiện xong xuôi việc thi công có nghiệm thu công trình.
Điều kiện và trách nhiệm thực hiện hoàn công
Trước khi làm thủ tục hoàn công thì công trình cần phải có quá trình nghiệm thu. Sau đây là các điều kiện và trách nhiệm để nghiệm thu công trình nhà ở:
Theo khoản 4 Điều 31 Nghị định 46/2015/NĐ-CP, để được đưa vào sử dụng thì công trình, hạng mục công trình phải được nghiệm thu theo quy định. Theo đó, nghiệm thu công trình được quy định như sau:
Trách nhiệm nghiệm thu công trình
- Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng (khoản 1 Điều 31 Nghị định 46/2015/NĐ-CP).
- Chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan thỏa thuận về thời điểm nghiệm thu, trình tự và nội dung nghiệm thu; kết quả nghiệm thu được lập thành biên bản.
Điều kiện nghiệm thu công trình
Để được nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng thì phải có đủ 03 điều kiện sau:
Điều kiện 1: Các công việc xây dựng đã thực hiện được nghiệm thu, gồm:
- Nghiệm thu công việc xây dựng
- Nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng.
Kết quả thí nghiệm, kiểm tra, chạy thử đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của thiết kế xây dựng.
Điều kiện 2: Không còn tồn tại lớn về chất lượng thi công xây dựng làm ảnh hưởng đến an toàn khai thác, sử dụng công trình.
Điều kiện 3: Được cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ra văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
Đọc thêm: Tìm hiểu quy trình xây dựng nhà gồm mấy bước ?
Quy trình thực hiện thủ tục hoàn công nhà ở
Thủ tục hoàn công nhà ở có 2 giai đoạn chính đó là chuẩn bị hồ sơ hoàn công và thực hiện nộp hồ sơ xin hoàn công.
Chuẩn bị hồ sơ hoàn công
Đây là bước đầu tiên rất quan trọng để hoàn thành thủ tục hoàn công. Thông thường ở bước này, giấy tờ trong khâu này có phần rắc rối nên thay vì tự mình xử lý thì bạn có thể nhờ các công ty xây dựng uy tín để nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Nộp hồ sơ hoàn công
Bước 1: Chủ sở hữu nộp hồ sơ tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai hoặc UBND các quận, huyện.
- Nếu hồ sơ có sai sót hoặc bị thiếu, bộ phận tiếp nhận sau khi kiểm tra sẽ trả lại hồ sơ và yêu cầu bổ sung qua hướng dẫn chi tiết.
- Khi đã đủ hồ sơ thì sẽ được tiếp nhận, ghi biên nhận, hẹn phúc đáp và trao trả lại hồ sơ.
Bước 2: Thụ lý hồ sơ ở Phòng Quản lý đô thị quận, huyện
Cán bộ Phòng Quản lý đô thị sẽ được cử đi kiểm tra, xác minh xem việc xây dựng có phù hợp hay không.
- Sau khi kiểm tra xong, cán bộ và chủ sở hữu ký vào biên bản kiểm tra.
- Nếu hồ sơ hợp lệ thì Phòng Quản lý đô thị sẽ tự động báo cáo, trình lên Cấp lãnh đạo để chờ phê duyệt.
- Phê duyệt xong thì Phòng Quản lý đô thị lập Phiếu chuyển Chi cục Thuế quận – huyện để xác định nghĩa vụ tài chính cho chủ sở hữu.
Bước 3: Bộ phận văn thư của văn phòng UBND sẽ trình lên chủ tịch UBND quận/huyện và ký giấy chứng nhận, chuyển tiếp lên Tổ tiếp nhận để trả hồ sơ cho chủ sở hữu.
Bước 4: Chủ sở hữu tiếp nhận phiếu chuyển để nộp thuế quận, huyện và một số loại chi phí khác.
Bước 5: Hoàn thành xong tất cả nghĩa vụ tài chính, chủ sở hữu cầm biên lai nộp thuế đến văn phòng UBND quận, huyện và nhận lại Giấy chứng nhận đã cập nhật phần nhà ở trên đất tại văn phòng.
Thủ tục hoàn công nhà ở cần chuẩn bị những gì, nộp ở đâu?
Để trả lời cho câu hỏi hoàn công nhà cần giấy tờ gì, gia chủ cần chuẩn bị các giấy tờ sau theo phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 05/2015/TT-BXD:
Hoàn công nhà cần giấy tờ gì?
- Hợp đồng xây dựng của chủ nhà ký với các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công xây dựng (nếu có).
- Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng.
- Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công xây dựng.
- Báo cáo kết quả thẩm tra và văn bản kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công xây dựng.
- Bản vẽ hoàn công (trong trường hợp việc thi công xây dựng có sai khác so với thiết kế bản vẽ thi công xây dựng).
- Báo cáo kết quả thí nghiệm, kiểm định (nếu có).
- Văn bản thỏa thuận, chấp thuận, xác nhận của các tổ chức, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (nếu có) về an toàn phòng cháy, chữa cháy; an toàn vận hành thang máy.
Thủ tục hoàn công nộp ở đâu?
Nơi nộp hồ sơ hoàn công được thông báo theo Điều 54, 55 Nghị định 46/2015/NĐ-CP ( trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng và bảo trì công trình - công trình nói chung) và Điều 9 Thông tư 05/2015/TT-BXD ( trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng và bảo trì nhà ở) thì chủ nhà nộp hồ sơ hoàn thành công trình nhà ở tại UBND cấp huyện ( huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).
=> Sau khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thì nhà ở sẽ được đưa vào sử dụng.
Một số câu hỏi thường gặp khi làm thủ tục hoàn công nhà ở
Hoàn công khi không phải người đứng tên xin cấp phép xây dựng
Theo khoản 3, Điều 66, Luật Nhà ở 2005 đã quy định rõ ràng về hồ sơ nhà ở nộp cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở như sau:
Đối với nhà ở tại đô thị được tạo lập kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành
Hồ sơ nhà ở bao gồm các nội dung bắt buộc như tên, địa chỉ chủ nhà, 1 trong các giấy tờ quy định trong Điều 15 của Luật này; tên và địa chỉ tư vấn, đơn vị thi công nếu có, bản vẽ thi công hoặc sơ đồ nhà ở, đất ở nếu có, hồ sơ hoàn công xây dựng.
Đối với nhà ở tại nông thôn được tạo lập kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành
Do đó, kể từ ngày 1/7/2006 là khi Luật nhà ở có hiệu lực thì nhà ở phải có chứng nhận quyền sở hữu, là điều kiện tiên quyết để được các bên thực hiện mọi giao dịch về nhà ở. Nếu có nhà sau ngày 1/7/2006, chủ cũ bắt buộc phải thực hiện thủ tục hoàn công, hoàn tất các thủ tục về sở hữu nhà trước khi bán lại cho ai đó khác. Khi ấy, chủ sau mới có cơ sở pháp lý để được công nhận quyền pháp lý với nhà ở.
Nhà chưa hoàn công có vay ngân hàng được không
Nếu bạn đã xin được giấy phép xây dựng của chính quyền và xây dựng đúng với bản vẽ thi công thì vẫn có thể vay được vốn của ngân hàng. Tuy nhiên, không phải tất cả ngân hàng đều như vậy và có một số ngân hàng không cho vay nhà chưa hoàn công.
Trên đây là những thông tin về hướng dẫn thủ tục hoàn công công trình nhà ở và gợi ý hoàn công nhà cần giấy tờ gì và nộp ở đâu. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn trong quá trình xây dựng căn nhà tương lai.
Xem thêm: Quy trình các bước thiết kế nhà ở đầy đủ từ A-Z